Biểu tình tiếp diễn ở châu Âu về giá năng lượng và khí hậu
Hàng chục nghìn người tuần hành ở Brussels và Đức yêu cầu các biện pháp mạnh mẽ chống lại sự nóng lên toàn cầu và trợ cấp do giá năng lượng tăng cao.
Theo trang tin Politico.eu ngày 24/10, hàng nghìn người đã biểu tình ở nhiều thành phố lớn của châu Âu cuối tuần qua để phản ứng về giá năng lượng và khí hậu.
Truyền thông khu vực cho biết Đức đã trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình cuối tuần qua, nhưng ở Brussels cũng chứng kiến cuộc tuần hành quy mô lớn hôm 23/10, khi hàng nghìn người tham gia cuộc biểu tình do Liên minh Khí hậu tổ chức, nơi quy tụ hơn 90 tổ chức môi trường, công đoàn và phong trào công dân, để kêu gọi các biện pháp mạnh mẽ chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Rebecca Thissen, điều phối viên của Liên minh Khí hậu cho biết: "Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng lớn (quy mô của các cuộc biểu tình) kể từ năm 2018 và bất chấp đại dịch COVID-19 và các trường hợp khẩn cấp khác, mọi người vẫn tiếp tục vận động và xuống đường để hành động vì khí hậu tốt hơn" .
Tờ Le Soir của Bỉ dẫn thông tin từ cảnh sát cho biết 25.000 người tham gia tuần hành và tình hình giao thông bị ảnh hưởng cho đến 8 giờ tối (giờ địa phương).
Trước đó hôm 22/10, hàng chục nghìn người biểu tình đã tập trung tại 6 thành phố của Đức để yêu cầu phân phối công bằng hơn các quỹ của chính phủ để đối phó với giá năng lượng tăng và chuyển đổi nhanh hơn khỏi nhiên liệu hóa thạch, theo Reuters.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở các thành phố Berlin, Düsseldorf, Hannover, Stuttgart, Dresden và Frankfurt. Những người biểu tình đã cầm những tấm biển mang khẩu hiệu về nhiều chủ đề, từ trợ cấp năng lượng nhiều hơn và đóng cửa các nhà máy hạt nhân, đến giảm lạm phát. Theo Greenpeace, một trong những nhà tổ chức biểu tình, khoảng 24.000 người đã tham gia, trong khi cảnh sát cho biết 1.800 người đã tập trung tại thủ đô của Đức.
Andrea Kocsis, Phó chủ tịch Ver.di, một trong những công đoàn tổ chức cuộc biểu tình, cho biết: "Chúng tôi muốn kêu gọi cứu trợ tài chính khẩn cấp cho những công dân gặp khó khăn trong xã hội. Chính phủ đang làm rất nhiều nhưng họ đang phân phát ngân quỹ nhỏ giọt. Những người có thu nhập thấp cần được hỗ trợ nhiều hơn những người giàu có".
Quốc hội Đức hôm thứ 21/10 đã thông qua đề xuất của chính phủ về một quỹ trị giá 200 tỷ euro để giải quyết tình trạng giá năng lượng đang tăng vọt. Các hộ gia đình tư nhân có thể được hưởng lợi từ mức trần giá bắt đầu từ tháng 3/2023.
Tuy nhiên, quỹ 200 tỷ euro của Đức đã gây tranh cãi ở Brussels khi một số nhà lãnh đạo châu Âu cáo buộc Đức có xu hướng bảo hộ vì không phải tất cả các nước thành viên EU đều có khả năng tài chính như Berlin.
Theo dữ liệu được công bố bởi công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft, dự báo sẽ có nhiều cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Thời gian gần đây, ở nhiều quốc gia đã chứng kiến sự gia tăng các cuộc biểu tình, gây rủi ro bất ổn dân sự. "Khi các điều kiện dẫn đến tình trạng bất ổn dân sự gia tăng ở một số quốc gia, mức độ nghiêm trọng và tần suất của các cuộc biểu tình sẽ tăng tốc hơn nữa trong những tháng tới", công ty tư vấn trên nhấn mạnh.
Tin nổi bật
Tin Video