Biến tướng tín dụng đen thời công nghệ số
(VOVTV) - Với thủ tục cho vay dễ dàng nhưng lãi suất “cắt cổ”, tín dụng đen đã lây lan rộng khắp đến các vùng miền và có dấu hiệu tăng trở lại vào dịp cuối năm.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã không những triệt phá nhiều đường dây, đối tượng cho vay nặng lãi mà còn cảnh báo người dân các chiêu trò, thủ đoạn của nhóm tội phạm này. Tuy nhiên, vì sao người dân vẫn mắc bẫy tín dụng đen, vì sao tín dụng đen vẫn có đất sống?
Anh Nguyễn Anh V, công nhân làm việc trong một công ty trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, thu nhập mỗi tháng của cả hai vợ chồng anh khoảng 12 - 13 triệu đồng, vừa đủ trả tiền thuê nhà và nuôi hai con nhỏ. Mới đây, do công ty gặp khó khăn nên anh đã bị cắt hợp đồng lao động. Nguồn thu chủ yếu của gia đình anh hiện chỉ trông chờ vào vợ. Áp lực cơm áo, gạo tiền... anh đã vay nóng trên mạng xã hội 40 triệu đồng với lãi suất hơn 20%/tháng. Mỗi tháng anh phải trả lãi hàng triệu đồng, khiến cuộc sống gia đình thêm khó khăn.
Không chỉ riêng anh V mà rất nhiều người khác cũng tìm đến hình thức "Vay dễ, trả khó này". Các gói vay này với đặc điểm giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản nên vẫn "hấp dẫn" với một bộ phận không nhỏ người dân. Bên cạnh đó, do giải quyết được nhu cầu cần tiền gấp, nhiều người đã không để ý các đối tượng đã thu thêm nhiều khoản phí cao mà khi cộng dồn vào tiền lãi sẽ thành "cắt cổ".
Như vậy, trên danh nghĩa là vay 20 triệu, nhưng thực tế người vay chỉ nhận được về có 16 triệu. Đây được xem là hình thức mà các cơ quan chức năng đánh giá là cách lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, do bùng nổ công nghệ, trên mạng xã hội còn "nở rộ" hàng loạt các app cho vay tiêu dùng. Với phương thức này, chỉ vài thao tác chạm, tín dụng đen đã len lỏi vào đời sống người dân. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội…. của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.
Thực tế, câu chuyện nhiều người vay qua các app, mạng xã hội phải chịu lãi suất cao, bị khủng bố tinh thần không phải là mới. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã triệt phá rất nhiều đường dây cho vay nặng trong nước, thậm chí xuyên quốc gia. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn không thể thoát khỏi "bẫy tín dụng đen" này. Bên cạnh đó, nhiều người dân không phân biệt được đâu là app của các đơn vị được cấp phép, và đâu là của các đối tượng cho vay nặng lãi.
Cơ quan công an đã xác định được hơn 160.000 người dân trên khắp các địa phương cả nước đã giao dịch vay tại các ứng dụng của nhóm đối tượng này, với số tiền hơn 1.800 tỷ đồng. Trong đó có nhiều người vì không đủ khả năng trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con nên đã bị các đối tượng uy hiếp, bôi nhọ danh dự và để lại hậu quả nặng nề.
Đặc biệt, nhiều người không liên quan nhưng vẫn bị các đối tượng thường xuyên gọi điện, xúc phạm, tung hình ảnh lên mạng để góp phần uy hiếp các đối tượng vay tiền. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ... trước khi quyết định vay tiền qua app.
Tin nổi bật
Tin Video