Tin tức

Biến thể Omicron lây nhiễm cho cả người đã tiêm vaccine hoặc đã mắc Covid

(VOVTV) - Ngày 20/12, Tổ chức Y tế thế giới thông tin cho biết, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, những người đã tiêm đủ vaccine hay đã mắc Covid-19 vẫn có thể nhiễm biến thể Omicron.

Tác giả Quang Dũng / VOV Paris
21/12/2021 07:05

Đồng thời, WHO kêu gọi các nước gạt bỏ suy nghĩ rằng biến thể Omicron có độc lực nhẹ hơn các biến thể trước đây.

Phát biểu trong buổi họp báo chiều 20/12 tại trụ sở Tổ chức Y tế thế giới – WHO ở Geneva, Thụy Sỹ, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hiện đã có các bằng chứng khoa học vững chắc cho thấy biến thể Omicron lây lan nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta, đồng thời những người đã tiêm đủ vaccine hay đã nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh vẫn có thể bị nhiễm và tái nhiễm với biến thể Omicron.

Biến thể Omicron lây nhiễm cho cả người đã tiêm vaccine hoặc đã mắc Covid - Ảnh 2.

Thế giới đang chạy đua tiêm vaccine để ngăn biến thể Omicron. Ảnh: The Guardian

Thông tin này khẳng định lo ngại của các nhà khoa học rằng với rất nhiều đột biến ở protein gai, biến thể Omicron có khả năng lẩn tránh hàng rào miễn dịch được tạo ra bởi việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 hoặc miễn dịch tự nhiên ở những người đã mắc Covid-19.

Một số nghiên cứu ban đầu ở các hãng dược phẩm lớn như Pfizer/BioNTech cũng cho thấy hiệu quả bảo vệ của 2 mũi vaccine đầu tiên giảm mạnh trước biến thể Omicron và ngay cả mũi tiêm tăng cường của Pfizer cũng chỉ bảo vệ được từ 70-75% nguy cơ nhiễm Omicron và bệnh nặng phải nhập viện, so với con số trên 90% với biến thể Delta.

Tuy nhiên, Trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế thế giới, bà Soumya Swaminathan cho rằng, vẫn cần chờ đợi thêm nhiều dữ liệu nữa từ các loại vaccine khác nhau, từ nhiều nước khác nhau mới có thể kết luận rõ ràng về hiệu quả bảo vệ thực sự của vaccine trước biến thể Omicron.

Trong lúc này, theo bà Soumya Swaminathan, điều quan trọng là các nước cần gạt bỏ suy nghĩ rằng biến thể Omicron ít nguy hiểm hơn các biến thể trước đây bởi suy nghĩ này xuất phát từ các nghiên cứu ban đầu ở Nam Phi, nơi có một số lượng lớn dân chúng đã có miễn dịch tự nhiên nên có thể không chính xác.

“Nếu có một số lượng ca nhiễm lớn và chỉ cần một tỷ lệ nhỏ trong số đó ốm nặng thì số người phải nhập viện cũng đủ làm quá tải các bệnh viện và gây sức ép lớn lên hệ thống y tế. Do đó, sẽ là không khôn ngoan nếu mọi người cứ ngồi đó và nghĩ rằng biến thể Omicron này sẽ không gây ra bệnh nặng bởi khi số ca nhiễm gia tăng, hệ thống y tế sẽ chịu gánh nặng và điều này đang xảy ra ở nhiều nước”, bà Soumya Swaminathan nhấn mạnh.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn