Biến thế Omicron khiến nhiều quốc gia phải đối mặt mới làn sóng dịch mới
(VOVTV) - Trước sự tấn công ồ ạt của nhiều biến thể phụ của Omicron, số ca mắc Covid-19 ở nhiều quốc gia tăng mạnh, thế giới đứng trước làn sóng dịch Covid-19 mới.
Trung Quốc
Trước sự tấn công ồ ạt của nhiều biến thể phụ của Omicron, số ca Covid-19 ở Trung Quốc lần đầu tăng 4 con số sau 2 tháng, thành phố Bắc Hải, Quảng Tây, gần Vịnh Bắc Bộ đã phải gấp rút xây dựng 2 bệnh viện dã chiến.
Dịch Covid-19 đang có xu hướng tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc. Số liệu công bố ngày 20/7 của Ủy ban Y tế Quốc gia cho thấy, nước này đã báo cáo hơn 1.000 ca bệnh có triệu chứng và không triệu chứng trong một ngày trước đó, trong đó 935 trường hợp là các ca bệnh cộng đồng, với tỉnh Cam Túc và Quảng Tây, giáp với Việt Nam là các vùng dịch lớn nhất. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ghi nhận số ca bệnh ở mức 4 con số sau 2 tháng kể từ 20/5.
Ít nhất 7 thành phố ở Trung Quốc, trong đó có Thượng Hải và Bắc Kinh đã phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể BA.5, trong khi thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Nam nước này xác nhận các ca bệnh nhiễm biến thể phụ BA.2.12.1.
Tính đến nay, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận trên 400 ca Covid-19 lây truyền trong nước mỗi ngày trong 6 ngày liên tiếp. Nhiều biến thể phụ như BA.2, BA.4 và BA.5 xuất hiện cùng lúc trong đợt bùng phát mới và trên thực tế chúng dễ lây lan và khó phát hiện hơn, đã đặt ra nhiều thách thức đối với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của nước này.
Theo thống kê của truyền thông Trung Quốc, hơn 20/31 khu vực cấp tỉnh ở nước này đã báo cáo các trường hợp Covid-19 trong cộng đồng thời gian gần đây và số ca bệnh hàng ngày vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Các nhà dịch tễ học Trung Quốc cho biết, khác với đợt dịch hồi tháng 3, làn sóng mới này đang thách thức khả năng đối phó với dịch bệnh của nhiều thành phố nhỏ, vốn không được trang bị đầy đủ thiết bị y tế như các đô thị lớn ở Trung Quốc.
Hàn Quốc
Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, tính đến ngày 20/7, Hàn Quốc ghi nhận 76.402 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 429 ca ngoại nhập. Đây là lần đầu tiên số ca ngoại nhập ở ngưỡng 400 ca kể từ sau tháng 1 năm nay, và là mức cao nhất kể từ đầu dịch.
Trước tình hình này, Hàn Quốc có kế hoạch bố trí thêm hơn 4.000 giường bệnh, đối phó với khả năng phát sinh 300.000 ca mắc mới mỗi ngày. Hơn 1.400 giường bệnh được bố trí trên toàn quốc đã sẵn sàng đón bệnh nhân. Chính phủ quyết định triển khai thêm 55 trạm xét nghiệm lưu động tạm thời tại khu vực Seoul và lân cận thủ đô, 15 nơi tại các địa phương còn lại.
Ngoài ra, các trạm xét nghiệm tại trung tâm y tế sẽ mở cửa cả vào buổi tối và cuối tuần. Người dân sẽ có thể mua bộ kit xét nghiệm COVID-19 tại các cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc trong thời gian tới, và kiểm tra về số lượng hàng ở mỗi cửa hàng thông qua ứng dụng smartphone.
Cơ quan phòng dịch nhấn mạnh mặc dù biến thể BA.5 đã trở thành chủng virus COVID-19 chính, nhưng nguồn lực y tế vẫn được đảm bảo, như công suất giường bệnh hiện ở mức 25,5%, năng lực xét nghiệm PCR lên tới 850.000 mẫu/ngày.
Nhật Bản
Theo Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản, số ca nhiễm Covid-19 mới ngày 20/7 lên tới 152. 536 ca, cao nhất từ trước tới nay nếu tính trong một ngày. Số ca nhiễm liên tục tăng, khiến Nhật Bản lo ngại tình trạng y tế tiếp tục rơi vào trạng thái quá tải.
Thủ đô Tokyo và hàng loạt các tỉnh khác như Osaka, Aichi, Kanagawa… có số ca nhiễm cao nhất từ khi dịch bùng phát vào đầu năm 2020. Tokyo và Osaka đều vượt con số 20.000 ca. Số ca tử vong ngày 20/7 là 50 người, tăng nhiều lần so với tuần trước. Tỷ lệ giường bệnh cũng tăng đột biến so với đầu tháng.
Theo các chuyên gia y tế và lãnh đạo các địa phương thì biến chủng mới BA.5 là nguyên nhân chính gây ra làn sóng thứ 7 này tại Nhật Bản. Và tốc độ lây lan đang được cho là có khả năng cao gấp đôi so với làn sóng thứ 6.
Châu Âu
Ngày 20/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố thống kê cho thấy số ca nhiễm Covid-19 đã tăng gấp 3 lần trên khắp châu Âu trong 6 tuần qua, chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm trên toàn cầu. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 cũng tăng gấp đôi trong giai đoạn này.
Trong một tuyên bố, Giám đốc WHO tại khu vực Châu Âu - Tiến sĩ Hans Kluge cảnh báo, Covid-19 vẫn là “một căn bệnh khó đoán” mà mọi người dân không nên chủ quan. Ông cũng cho biết, các dòng biến thể mới siêu lây nhiễm của chủng Omicron đang thúc đẩy làn sóng dịch bệnh mới trên khắp lục địa và việc tái nhiễm có thể khiến nhiều người mắc phải hội chứng “Covid kéo dài”.
Cùng với đó, WHO cũng công bố chiến lược đối phó với Covid-19 trong mùa thu năm nay, bao gồm: Kêu gọi tiêm liều tăng cường vaccine thứ hai (tức mũi tiêm thứ 4) cho bất kỳ ai từ 5 tuổi trở lên có hệ miễn dịch kém, khuyến khích đeo khẩu trang trong nhà và trên các phương tiện giao thông công cộng, đồng thời thiết kế hệ thống thông gió tốt hơn trong các trường học, văn phòng và những không gian kín.
Dịch cúm mùa bùng phát cộng thêm với sự gia tăng đáng kể của các ca nhiễm Covid-19 được giới chức WHO cảnh báo có thể làm quá tải hệ thống ý tế công cộng. Do đó, giới chức các quốc gia cần nhanh chóng thiết lập lại các biện pháp hạn chế Covid-19 đã được dỡ bỏ gần đây.
Tin nổi bật
Tin Video