Tin tức

Biến thể Delta khiến nhiều nước cân nhắc lại về chiến lược 'zero Covid'

Biến thể Delta đang khiến các nước phải cân nhắc lại chiến lược “zero-Covid” (đưa số ca mắc Covid-19 về 0) nhất là trong bối cảnh các biện pháp đối phó đại dịch như phong tỏa và đóng cửa biên giới liên tục bị kéo dài.

25/08/2021 09:20

Những ngày gần đây, các nhà lãnh đạo và các chuyên gia y tế công cộng ở các nền kinh tế “không Covid” như Australia và New Zealand đã bắt đầu thảo luận về việc học cách sống chung với Covid-19 khi tỷ lệ tiêm chủng gia tăng, mặc dù Hong Kong (Trung Quốc) vẫn duy trì các nỗ lực đưa số ca mắc về 0.

Ông Peter Collignon, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y thuộc Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, cho rằng “cuộc chơi đã thay đổi” sau sự xuất hiện của biến thể Delta.

“Mặc dù phong tỏa từ sớm, nhưng dịch bệnh vẫn đang lan rộng. Tôi nghĩ “zero Covid” sẽ không xảy ra. Thực tế nó sẽ không bao giờ xảy ra cho dù chúng ta đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Có vẻ như bạn không thể loại hoàn toàn Covid-19 cho dù áp lệnh phong tỏa”, ông Collignon nói.

Không thể phong tỏa mãi

Ngày 23/8, Thủ tướng Australia Scott Morrison nói rằng, mạng sống của nhiều người đã được cứu nhờ các biện pháp phong tỏa, tuy nhiên ông cũng thừa nhận đất nước không thể chống đỡ được nếu các biện pháp này kéo dài mãi.

“Một khi bạn đạt mục tiêu 70% những người đủ điều kiện đều đã được tiêm vaccine, sau đó là 80%, các kế hoạch đặt ra đều phải nhìn về phía trước,” ông Morrison nói, đề cập các mục tiêu của chính phủ liên bang về việc dỡ bỏ hầu hết các lệnh phong tỏa và nới lỏng kiểm soát biên giới.

Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian cũng cho rằng, các bang sẽ cần phải học cách sống chung với Covid-19 sau khi 80% người trưởng thành đã tiêm chủng.

“Bạn không thể ngăn chặn được biến thể Delta mãi mãi,” bà Berejiklian nói.

Biến thể Delta khiến nhiều nước cân nhắc lại về chiến lược 'zero Covid' - Ảnh 1.

Xe ô tô xếp hàng dài tại một khu vực xét nghiệm Covid-19 ở Auckland, New Zealand ngày 19/8. Ảnh: AP

Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh một số nhà lãnh đạo tiểu bang, trong đó có Thủ hiến Tây Australia Mark McGowan, nói rằng biện pháp phong tỏa có thể sẽ vẫn được áp dụng nếu có các đợt bùng phát trong tương lai, ngay cả sau khi tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao nhất 80%.

Dù hơn một nửa dân số 25 triệu người vẫn đang sống trong lệnh phong tỏa, Australia ngày 23/8 ghi nhận 906 ca mắc Covid-19, nhiều nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Bang New South Wales ghi nhận 818 trường hợp, giảm nhẹ so với mức kỷ lục 830 trường hợp một ngày trước đó. Bang lân cận Victoria ghi nhận 71 trường hợp mới, mức cao nhất trong gần 1 năm qua, dù bang này đã bước vào đợt phong tỏa thứ 6 do sự lây lan của biến thể Delta.

“Biến thể Delta đang thay đổi cách Australia cân nhắc về các mục tiêu kiểm soát đối với các đợt bùng phát hiện tại. Mọi người nghĩ rằng chúng tôi sẽ phải đưa ra quyết định khó khăn về thởi điểm ‘để virus xâm nhập’. Nhưng hiện tại virus đã xâm nhập và lây lan”, bà Catherine Bennett, một chuyên gia y tế cộng đồng và nhà dịch tễ học tại Đại học Deakin ở Melbourne cho biết.

Tại New Zealand, Bộ trưởng phụ trách đối phó Covid-19 Chris Hipkins ngày 22/8 nói rằng, biến thể Delta đã đặt ra “những câu hỏi lớn” về các kế hoạch tương lai của đất nước, trong đó bao gồm cả chiến lược đối phó dịch bệnh về lâu dài khi biên giới dần được mở với các nước có nguy cơ thấp.

New Zealand, quốc gia đã áp lệnh phong tỏa dù chỉ ghi nhận 1 ca Covid-19 hồi đầu tháng này, ghi nhận 35 ca mắc mới trong ngày 23/8. Đây là con số báo cáo trong ngày cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Singapore, quốc gia đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn 3/4 dân số và trong những tuần gần đây đã chuyển sang chiến lược sống chung với Covid-19, thông báo chính sách đi lại miễn cách ly với Hong Kong, Ma Cao, Đức và Brunei. Nhiều địa điểm mới dự kiến được bổ sung trong những tuần tới. Quốc đảo ngày 23/8 ghi nhận 94 ca mắc Covid-19.

Chiến lược “zero Covid” vẫn đáng theo đuổi?

Ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao như Israel và đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho những người trên 40 tuổi, số ca mắc Covid-19 vẫn tiếp tục tăng lên hoặc ở mức cao do biến thể Delta, mặc dù số ca tử vong và nhập viện đã giảm xuống chỉ bằng một phần nhỏ so với thời kỳ đỉnh dịch.

“Do các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện nay không tạo ra ‘miễn dịch tuyệt đối’ - một người dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có thể mắc Covid-19 nhưng thường chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ. Những người này vẫn có khả năng truyền Covid-19. Vì đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên họ ít được xét nghiệm và cách ly, có thể chính điều này đã khiến virus tiếp tục lây lan”, Alexandra Martiniuk, một nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Sydney cho biết.

Dù vậy, nhiều nhà chức trách và các chuyên gia y tế công cộng vẫn cho rằng, chiến lược “zero-Covid” là có thể đạt được và đáng theo đuổi.

Trung Quốc đại lục đã tuyên bố tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận “không khoan nhượng” đối với dịch Covid-19, bác bỏ những lời kêu gọi sống chung với Covid-19.

Bắc Kinh ngày 23/8 không ghi nhận ca mắc Covid-19 nào, sau khi bệnh bùng phát mạnh khiến nước này phải tiến hành chiến dịch xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa nghiêm ngặt.

Tại Hong Kong, các nhà chức trách không đưa ra dấu hiệu nào về thời điểm thành phố có thể mở cửa trở lại, mặc dù dự kiến đạt mục tiêu 70% người trưởng thành đã tiêm chủng vào tháng tới.

Michael Baker, giáo sư về y tế cộng đồng tại Đại học Otago ở Wellington cho biết, ông tin rằng vẫn có thể đưa số ca nhiễm về 0 trong các đợt bùng phát dịch do biến thể Delta.

“Các đợt bùng phát gần đây ở Trung Quốc, Đài Loan và Singapore dường như đã được kiểm soát, số ca bệnh giảm dần cho thấy việc đưa số ca mắc về 0 là có thể đạt được. Ở Australia, một số bang dường như đã ngăn chặn thành công các đợt bùng phát biến thể Delta, đặc biệt là Nam Australia vào tháng 6 và Queensland vào tháng 7- 8”, ông Baker nói.

Nick Wilson, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Otago, cũng cho rằng ông tin New Zealand sẽ kiểm soát được dịch Covid-19, nhưng ông thừa nhận biến thể Delta đã thay đổi cách tính toán của nhiều quốc gia khác.

“Biến thể Delta rất khó ngăn chặn và khả năng cao Australia sẽ từ bỏ chiến lược loại bỏ hoàn toàn [Covid-19] trong tương lai gần”, ông Wilson nói./.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn