Tin tức

Biến thể Delta khiến chiến lược đóng cửa biên giới phòng Covid-19 ở Đông Nam Á thay đổi

Không giống như châu Âu hay Bắc Mỹ, các nước Đông Nam Á hầu như vẫn cấm di chuyển quốc tế không cần thiết, nhưng điều này có thể sẽ thay đổi do sự bùng phát của biến thể Delta.

13/10/2021 08:37

Biến thể Delta đã lây lan nhanh chóng ở các nước Đông Nam Á. Nó đã trở nên áp đảo ở các quốc gia từng thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của các biến thể SARS-CoV-2 trước đây.

Biến thể Delta khiến chiến lược đóng cửa biên giới phòng Covid-19 ở Đông Nam Á thay đổi - Ảnh 1.

Khung cảnh vắng vẻ tại sân bay Changi Singapore. Ảnh: AFP

Sau hơn một năm rưỡi kể từ lần đầu tiên nhiều nước trên thế giới phải đóng cửa biên giới, Đông Nam Á hầu như vẫn cấm di chuyển không cần thiết, không giống như ở châu Âu hay Bắc Mỹ.

Phần lớn điều này liên quan đến tỷ lệ tiêm chủng thấp trong khu vực Đông Nam Á. Theo CNA, có thể cần phải đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ vào tiêm chủng trước khi cho phép người đã tiêm vaccine di chuyển mà không cần cách ly. Người đã tiêm chủng vẫn có thể lây nhiễm SARS-CoV-2 nhưng có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng thấp hơn người chưa tiêm vaccine.

Bởi vậy, việc cho phép di chuyển đối với những du khách đã tiêm chủng sẽ giảm áp lực đối với hệ thống y tế vốn đã quá tải trong suốt thời gian đại dịch, trong khi vẫn đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng bảo vệ cộng đồng địa phương.

Rủi ro khi nới lỏng hạn chế trong nước

Mặc dù Campuchia và Malaysia có tỷ lệ tiêm chủng khoảng 70%, nhưng có rất ít động thái về việc mở cửa biên giới quốc tế ở những nước này hoặc các quốc gia Đông Nam Á khác.

Tuy nhiên, mức độ hạn chế tương tự đã không được áp dụng đối với việc di chuyển trong nước. Biện pháp này đang có xu hướng được nới lỏng ở hầu hết các quốc gia dù các đợt bùng phát dịch trong cộng đồng vẫn đang xảy ra.

Malaysia đã nới lỏng các biện pháp hạn chế trong nước mặc dù luôn là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới dựa trên dân số. Vào tháng 8, khi Manila kết thúc lệnh phong tỏa trong nước cũng là ngày nước này ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới hàng ngày cao kỷ lục.

Hành động có vẻ mâu thuẫn này được giải thích là do sự mệt mỏi đối với lệnh phong tỏa và nhu cầu cân bằng giữa sức khỏe và nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình tài chính ở nhiều quốc gia đang ngày càng xấu đi.

Tuy nhiên, khi sự cân bằng giữa sức khỏe và kinh tế được thực hiện, sẽ có những sự kết hợp khác nhau giữa các hạn chế trong nước và ở biên giới để có thể tạo ra kết quả kinh tế như mong muốn.

Tới nay, hầu hết các hành động hỗ trợ nền kinh tế đều tập trung vào việc nới lỏng các hạn chế trong nước. Các giới hạn về biên giới hầu như không có trong kế hoạch. Trên thực tế, do các biên giới hầu như phải đóng cửa nên nếu muốn hỗ trợ kinh tế bắt buộc phải nới lỏng nhiều hạn chế trong nước đến mức rủi ro về sức khỏe sẽ tăng, bằng chứng là số ca lây nhiễm đã tăng vọt.

Nếu cách tiếp cận này trước đây là biện pháp tối ưu, nó đang trở nên không bền vững với sự bùng phát của biến thể Delta.

Hạn chế biên giới so với hạn chế trong nước

Các biện pháp hạn chế biên giới chỉ có tác dụng khi kiểm soát được biến thể Delta và các biến thể khác. Chẳng hạn như ở Singapore, trước khi xuất hiện biến thể Delta, số ca mắc Covid-19 đến từ nước ngoài nhiều hơn số ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng hiện tại khi biến thể Delta bùng phát, ca mắc bệnh từ nước ngoài chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Khi số ca mắc Covid-19 đến từ nước ngoài chiếm một phần nhỏ hơn so với ca bệnh trong cộng đồng, giá trị của các biện pháp hạn chế ở biên giới so với các biện pháp trong nước trong việc hạn chế sự lây lan của một biến thể có khả năng lây truyền cao bắt đầu giảm mạnh.

Điều này cho thấy rằng việc chuyển trọng tâm từ hạn chế biên giới sang các hạn chế trong nước sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Một sự thay đổi như vậy sẽ giải quyết các cân nhắc về kinh tế đồng thời mang lại cơ hội tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.

Các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ đã nhận ra điều này và từng bước mở cửa biên giới trong khi vẫn giữ nguyên một số hạn chế trong nước và các biện pháp giãn cách xã hội để bảo vệ cộng đồng.

CNA nhận định rằng, đã đến lúc các nước Đông Nam Á bắt đầu lên kế hoạch đi theo hướng tương tự ngay cả khi họ đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Các nước ở Đông Nam Á bắt đầu mở cửa biên giới cho di chuyển quốc tế là Singapore và Thái Lan. Singapore đã mở cửa biên giới với một số quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp và tỷ lệ tiêm chủng cao.

Thái Lan đã áp dụng mô hình “hộp cát” tại các đảo nghỉ dưỡng như Phuket và Koh Samui, để mở cửa đơn phương cho một lượng lớn các quốc gia. Nhiều khu vực khác của Thái Lan có thể mở cửa vào tháng 11/2021.

Nếu những động thái này thành công trong việc thu hút một lượng lớn khách du lịch mà không ảnh hưởng đến tình hình sức khỏe trong nước, đây có thể trở thành “hiệu ứng domino” trong khu vực. Campuchia cũng đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại vào trước cuối năm nay./.

Ý kiến của bạn