Biên giới Tây Nam: Điểm 'nóng' về vận chuyển ma túy
(VOVTV) - Trong năm 2020, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy diễn biến phức tạp tại các tỉnh biên giới Tây Nam như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An,… Mặc dù các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng các đối tượng tội phạm này luôn dùng mọi hình thức, bất chấp pháp luật, vận chuyển ma túy vào nội địa, làm cho khu vực này trở thành điểm “nóng” về ma túy.
Mới đây, vào khoảng 12 giờ ngày 26/11, tại Trạm Kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Cục Hải quan tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, bắt giữ đối tượng Trần Văn Uổl, 60 tuổi, trú tại khóm Xuân Bình, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, vận chuyển hơn 10kg nghi là ma túy từ Campuchia về Việt Nam. Tiếp tục mở rộng điều tra, Lực lượng chức năng bắt thêm hơn 20kg liên quan đến đối tượng này.
Theo đại tá Lý Kế Tùng, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng An Giang, từ đầu năm đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động xác lập đấu tranh, triệt phá gần chục vụ vận chuyển ma túy từ Campuchia vào Việt Nam với số lượng lớn.
Trong đó tiêu biểu là 2 chuyên án AG420 và AG620, bắt 11 đối tượng, thu giữ hơn 75 kg ma túy các loại và nhiều tang vật có liên quan. Đây cũng là 2 vụ vận chuyển ma túy lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.
"Ngay từ đầu năm 2020, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã xác định, các đối tượng vận chuyển ma túy lớn sẽ di chuyển về phía Nam, trong đó có địa bàn An Giang. Chính vì xác định như vậy, Bộ chỉ huy Biên phòng An Giang đã xây dựng kế hoạch, quán triệt đến tất cả các đồn, các phòng nghiệp vụ phải tăng cường công tác chống ma túy xâm nhập.
Bộ công an đã phối hợp với Biên phòng An Giang, Hải quan An Giang… đã bắt nhiều vụ vận chuyển ma túy. Từ đầu năm đến nay, là đã triệt phá 5 chuyên án, thu gần 100kg ma túy các loại".
Cũng tại tuyến biên giới Tây Nam này, ngày 15/8 vừa qua, Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh đã phát hiện, triệt phá thành công đường dây vận chuyển ma túy từ Campuchia về Việt Nam, với trọng lượng là 45kg ma túy các loại.
Đây cũng là 1 trong 2 vụ vận chuyển ma túy lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Trước đó, vào ngày 26/5, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An chủ trì phối hợp Công an tỉnh xác lập, đấu tranh triệt phá đường dây vận chuyển ma tuý từ Campuchia về Việt Nam, với trọng lượng khoảng hơn 20kg.
Theo Đại tá Phan Văn Phúc, Phó chỉ huy trưởng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam nói chung và của tỉnh Long An nơi riêng diễn biến ngày càng phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về quy mô hoạt động lẫn mức độ nguy hiểm.
Đặc biệt, chúng thường gắn kết với hoạt động của tội phạm hình sự và các loại tội phạm khác nên hoạt động manh động và liều lĩnh, sẵn sàng chống trả quyết liệt với lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Đại tá Phan Văn Phúc cho biết thêm:
"Thủ đoạn của tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp; thủ đoạn cất giấu, vận chuyển rất tinh vi, chia thành nhiều địa điểm trên nhiều địa bàn, nhằm tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng.
Việc vận chuyển ma túy từ Campuchia về, chúng câu móc, thuê các các đối tượng là dân nghiện ở địa phương, phần lớn tuổi đời còn rất trẻ, thiếu sự quản lý và giáo dục của gia đình và xã hội, không có công ăn việc làm ổn định, các đối tượng này trong lức vận chuyển chúng rất manh động".
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, vùng biên giới Tây Nam được xem là điểm "nóng" về tình trạng vận chuyển ma túy. Bộ đội Biên phòng đã chủ động phối hợp với các lực khác như Công an, Hải quan,... triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án, thu giữ số lượng tang vật lớn.
Điển hình là các Chuyên án do Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang chủ trì và xác lập, phối hợp với các đơn vị đấu tranh; Chuyên án LA520 do Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An xác lập, đấu tranh. Các chuyên án này đã bắt, giữ 18 đối tượng; hơn 92 kg may túy các loại và 5 khẩu súng, hàng trăm viên đạn và nhiều tang vật liên quan.
Theo Đại tá Tống Quyết Chiến, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Công an tỉnh An Giang, An Giang và một số tỉnh khác tại khu vực ĐBSCL chỉ là địa bàn trung chuyển ma túy từ Campuchia về, sau đó vận chuyển lên TP.HCM để tiêu thụ.
Do đường biên giới dài, mặt khác tội phạm ma túy hoạt động ngày càng tinh vi; nên việc đấu tranh với loại tội phạm này là rất khó khăn, phức tạp; đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng.
"Trong thời gian qua, có những lúc chia sẻ thông tin còn hơi chậm, mà chậm thì công tác hợp tác, tính toán chiến thuật mở rộng nó sẽ chưa sắp bằng. Phòng và đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới đòi hỏi phải có sức mạnh tổng hợp của các lực lượng.
Vì vậy trong thời gian tới, các lực lượng phòng chống ma túy nói chung: Công an, Hải quan, Biên phòng…nhưng đặc đặc biệt là đối với Công An và Biên phòng và đứng sau lưng hỗ trợ và tư vấn về cái đầu vào là Viện kiểm sát ngay từ đầu, để hỗ trợ, chia sẻ thông tin, gắn kết tạo thành một sức mạnh tổng hợp".
Theo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng, những năm qua, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy trên tuyến biên giới các tỉnh phía Nam diễn biến hết sức phức tạp, gần đây là tại khu vực ĐBSCL.
Nguồn ma túy chủ yếu được vận chuyển từ khu vực "Tam giác vàng" qua các địa phương giáp biên giới thuộc tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An,… để chờ thời cơ vận chuyển vào nước ta hoặc đi nước thứ 3.
Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tội phạm ma túy ở trong nước, cũng như là trong khu vực hoạt động ngày càng ranh ma và quỷ quyệt hơn, với nhiều phương thức, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin vào vận chuyển ma túy, phương tiện vận tải bằng đường biển đi các nước… Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương nêu rõ:
"Đặc biệt, xác định ma túy là mầm mống của mọi loại tội phạm, dòi hỏi lực lượng chuyên trách về phòng chống ma túy của Bộ độ Biên phòng nói riêng, của các lực lượng khác Công an, Hải quan, Cảnh sát biển nói chung là phải có chuyên sâu, nắm chắc và sử dụng được công nghệ thông tin; kiểm tra, kiểm soát; làm tốt công tác điều tra cơ bản, phân loại ngay từ đầu các đối tượng có hành vi liên quan đến vận chuyển, buôn bán ma túy từ bên ngoài vào bên trong nội địa thì hiệu quả mới cáo".
Mặc dù các ngành chức năng khu vực biên giới Tây Nam triển khai nhiều biện pháp đấu tranh phòng chống việc mua bán trái phép các chất ma túy, nhưng tình trạng mua bán ma túy khu vực này chưa được đẩy lùi.
Để làm tốt hơn công tác này, trước hết cần tập trung phối hợp đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, cai nghiện ma túy; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy. Sự gắn kết giữa các nước trong khu vực sẽ là yếu tố quan trọng, bảo đảm sự thành công trong công tác phòng, chống ma túy của mỗi nước.
Tin nổi bật
Tin Video