Tin tức

Biến chủng Covid-19 nguy hiểm ở Ấn Độ xuất hiện ở ít nhất 17 nước

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến chủng chứa đột biến kép của virus SARS-CoV-2 khiến Ấn Độ rơi vào cuộc khủng hoảng Covid-19 đã được tìm thấy ở ít nhất 17 quốc gia.

28/04/2021 09:31

AFP dẫn thông tin từ WHO cho biết, tính đến ngày 27/4, biến chủng SARS-CoV-2 có tên gọi B.1.617 phát hiện lần đầu tại Ấn Độ đã được tìm thấy trong hơn 1.200 trình tự gen thu thập ở "ít nhất 17 quốc gia khác". "Phần lớn các trình tự gen được thu thập từ Ấn Độ, Anh, Mỹ và Singapore", WHO cho biết.

Mới đây WHO đã đưa biến chủng B.1.617 vào diện "biến chủng đáng chú ý" nhưng chưa xếp vào diện "biến chủng đáng lo ngại" hay biến chủng nguy hiểm hơn chủng ban đầu vì khả năng lây nhiễm cao hơn, tỷ lệ gây tử vong cao hơn, kháng vaccine mạnh hơn.

Biến chủng Covid-19 nguy hiểm ở Ấn Độ xuất hiện ở ít nhất 17 nước - Ảnh 1.

Biến chủng SARS-CoV-2 được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh minh họa: Reuters

Biến chủng B.1.167 đang lây lan tại Ấn Độ chứa "đột biến kép" L452R (từng xuất hiện trong biến thể ở Mỹ) và E484Q (giống với loại xuất hiện ở Nam Phi và Brazil). Bên cạnh 2 đột biến này, biến chủng B.1.617 có khoảng 11 đột biến khác.

B.1.167 có khả năng lây lan nhanh chóng. Biến chủng này được cho có thể là một phần nguyên nhân khiến Ấn Độ rơi vào cuộc khủng hoảng Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở đất nước tỷ dân này.

Tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch

Biến chủng Covid-19 nguy hiểm ở Ấn Độ xuất hiện ở ít nhất 17 nước - Ảnh 2.

Một bệnh nhân Covid-19 đang được chuyển vào bệnh viện Guru Teg Bahadur ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Tuy vậy, WHO cũng nhấn mạnh rằng, đợt bùng phát Covid-19 hiện nay ở Ấn Độ không hoàn toàn là do sự xuất hiện của biến chủng mới mà còn do nhiều yếu tố khác như sự lơ là phòng dịch.

"Hiện chưa rõ mức độ tác động của biến chủng này đến đà lây lan Covid-19 nhanh chóng ở Ấn Độ, còn nhiều yếu tố khác có thể dẫn đến tình trạng này như các sự kiện tập trung đông người. Chúng ta cần phải điều tra nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu mức độ tác động của các yếu tố đó", báo cáo của WHO nêu rõ.

Ngoài ra, WHO cũng cho rằng, việc người dân Ấn Độ hoảng loạn đổ xô đến các bệnh viện ngay cả khi họ có thể tự cách ly và hồi phục tại nhà đang gây ra sức ép không đáng có cho hệ thống y tế của nước này. Người phát ngôn WHO Tarik Jasarevic cho rằng, chỉ khoảng 15% bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ cần điều trị tại bệnh viện.

Hệ thống y tế của Ấn Độ đang có nguy cơ sụp đổ do số bệnh nhân Covid-19 tăng quá nhanh. Hầu hết các bệnh viện của Ấn Độ, đặc biệt ở New Delhi, rơi vào tình trạng quá tải, thiếu giường bệnh, thiếu ôxy, thiếu vật tư y tế và thuốc men.

Hôm 26/4, Ấn Độ đã điều động các lực lượng vũ trang tới hỗ trợ các bệnh viện. Tổng tham mưu trưởng quân đội Bipin Rawat cho biết sẽ gửi ôxy từ nguồn dự trữ của quân đội cho các bệnh viện.

Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Singapore và các nước châu Âu, cũng bắt đầu hỗ trợ khẩn cấp ôxy và các vật tư y tế khác như máy thở, máy tạo ôxy giúp Ấn Độ đối phó dịch. Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô sản xuất vaccine Covid-19 để cung cấp cho Ấn Độ.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn