Tin tức

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Thành phố sẽ mở cửa dần

(VOVTV) - Bên lề buổi làm việc với Ban thường vụ Quận 7 về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra sáng nay (5/9), Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên đã có trao đổi với báo chí về một số ý tưởng cho phương án bình thường mới.

Tác giả Hà Khánh / VOV TP.HCM
05/09/2021 17:05

Quận 7 là một trong hai địa phương (cùng với huyện Củ Chi) công bố cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 trên địa bàn theo các tiêu chí của Bộ Y tế. Ông Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành phố đang giao quận này cùng với huyện Củ Chi làm điểm, chuẩn bị chuyển sang chiến lược sống trong điều kiện mới.

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, cuộc chiến chống dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ và chưa có bài học nào trước đó. Và TP.HCM không thể giãn cách triệt để, nghiêm ngặt mãi được vì không thể chịu nổi. Lí do nữa là không thể quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng khi dịch đã lan rộng và ngấm sâu.

Dẫn câu chuyện "sống chung với lũ" thì cần phải tôn nhà lên cao, có ghe xuồng, áo phao và quan trọng và phải biết bơi có các điều kiện để không chết, ông Nguyễn Văn Nên đặt vấn đề "sống chung với dịch" thì cần phải có vaccine, có thuốc, cần có tâm thế, có kiến thức chăm sóc sức khỏe bản thân… Tức là phải có điều kiện cần và đủ để "vũ trang" cho từng người dân như một chiến sỹ. Cùng với đó, TP.HCM cần phải củng cố hệ thống y tế đủ mạnh.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Thành phố sẽ mở cửa dần - Ảnh 1.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu sáng 5/9. Ảnh: Hà An

Theo người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM, Thành phố không chỉ lo chống dịch không mà không sản xuất vì nếu vậy thì sẽ chết vì cái khác trước khi chết vì dịch. Cho nên, điều quan trọng là phải bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế, không để nó lụn bại. Mà muốn bảo vệ nền kinh tế thì phải trở lại mục tiêu kép. Đó là làm sao sản xuất an toàn, đảm bảo cho được mức độ có thể.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, kinh tế TP.HCM có 80% là dịch vụ và đây là đặc điểm rất khác với các địa phương khác. Vì thế, Thành phố cần tính toán mở cửa dần từng bước, chắc chắn, mở tới đâu quản lý tới đó. Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng nhiều người nóng vội trở lại trạng thái bình thường, "tuy nhiên bình thường ở đây phải là bình thường mới chứ không phải giống như trước đây".

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Thành phố sẽ mở cửa dần - Ảnh 2.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu. Ảnh: Hà An

TP.HCM đang hình dung bước đầu và đang giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng tính toán, nghiên cứu. Ví dụ, sắp tới đây ai là người được ra công viên tập thể dục nâng cao sức khoẻ? Với người có kháng thể tốt đã được tiêm 2 mũi vaccine thì được ra công viên lớn; người mới tiêm 1 mũi thì ở công viên nhỏ, vắng người; còn người chưa tiêm vaccine thì ở nhà… 

Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định ý thức từng người dân sẽ là điều kiện tiên quyết trong vấn đề kiểm soát dịch, đạt được trạng thái bình thường mới của Thành phố và việc quản lý người dân sắp tới sẽ bằng công nghệ.

"Ở nông thôn đóng cửa một tháng không chết chóc gì. Nhưng TP.HCM chỉ cần đóng một chút thôi thì có những người phải đứng máy liền, phải trợ cấp liền. Dịch vụ khi tắc một đoạn, một cung đường nào đó, có thể làm ảnh hưởng tới một chuỗi luôn. Quay trở lại câu chuyện là mở nếu không khéo, không quản lý được sẽ lây nhiễm trở lại. Còn nếu như chúng ta mở chậm, mở tới đâu quản lý được tới đó mới đảm bảo được. Vấn đề quan trọng là quản lý người ra xã hội cực kỳ quan trọng, phải tính. Và phải làm bằng công nghệ chứ không thể quản lý theo kiểu kiểm soát với nhau được", Bí thư Thành ủy chỉ rõ.

Về đề xuất của Quận 7 là xin sử dụng một số khu đất trống do nhà nước quản lý mà chưa thực hiện các dự án phục vụ cho công tác di chuyển tạm người dân ở các khu đông dân, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, đây là đề xuất chính đáng và Thành phố sẽ xem xét trên các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Nên cho biết, nhiều địa phương đã đề xuất phương án di dân để phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên khó khăn của Thành phố là nhu cầu di dân lớn mà khả năng đáp ứng nhu cầu quá nhỏ.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn