Bí thư Thành ủy Hà Nội: Tạm dừng và điều chỉnh các dịch vụ vì an toàn của người dân
(VOVTV) - Sáng 12/7, trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã nhất trí về chủ trương giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo tạm dừng và điều chỉnh cách thức, thời gian hoạt động một số dịch vụ để ngăn chặn, kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn, vì an toàn của người dân.
Ưu tiên, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch cao nhất
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao. Người dân Hà Nội có ý thức tự giác, đoàn kết, chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch. Đây là nguyên nhân giúp thành phố kiểm soát, không để dịch lan rộng trên địa bàn; các ca bệnh mới đều được truy vết, khoanh vùng, cách ly kịp thời.
Trong đó, Hà Nội đã thực hiện linh hoạt, hiệu quả biện pháp tạm dừng các dịch vụ trên địa bàn. Sau khi kiểm soát được tình hình, thành phố cho phép nới lỏng để tạo điều kiện cho người dân duy trì kinh doanh, buôn bán; qua đó giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện dịch bệnh.
Tuy nhiên, khi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tăng lên, thành phố phải yêu cầu tạm dừng và điều chỉnh cách thức, thời gian hoạt động các dịch vụ để bảo đảm phòng, chống dịch. Cách làm này đã phát huy hiệu quả và được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, trước diễn biến phức tạp từ các vùng dịch cũng như liên tiếp những ngày qua Hà Nội phát hiện các ca nhiễm mới từ vùng dịch về, nhiều ca liên quan đến hàng, quán dịch vụ.
Vì sự an toàn, sức khỏe của người dân và nhằm kiểm soát kịp thời tình hình dịch bệnh, Thường trực Thành ủy đã thống nhất giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo triển khai các biện pháp điều chỉnh hoạt động các hoạt động xã hội, kinh doanh, dịch vụ, nhà hàng phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch đang đặt ra; khẩn trương, nghiêm khắc thực hiện các biện pháp tạm dừng hoặc điều chỉnh cách thức, thời gian hoạt động của một số dịch vụ trên địa bàn.
"Với nguy cơ lây nhiễm ngày càng cao như hiện nay, đây là biện pháp quan trọng để ngăn chặn, không để dịch bùng phát, lây lan rộng. Mức độ và quy mô tạm dừng hoặc đóng các dịch vụ có thể phải tăng lên cấp độ cao hơn nếu dịch tiếp tục diễn biến xấu.
Ngược lại, khi nào tình hình được kiểm soát, bảo đảm các điều kiện an toàn cho người dân, thành phố sẽ lại nới lỏng trở lại. Trong mọi tình huống, các biện pháp phải nhằm ưu tiên và bảo đảm hiệu quả chống dịch cao nhất và giảm thiểu thiệt hại cho người dân", Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Tập trung hạn chế tối đa mầm bệnh xâm nhập
Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, Thường trực Thành ủy yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể từ thành phố xuống cơ sở tiếp tục quán triệt quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố với tinh thần "chống dịch như chống giặc", tập trung mọi nguồn lực nhằm dập dịch nhanh nhất, sớm nhất có thể, sớm ổn định tình hình, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Bí thư các quận, huyện, thị ủy chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy về hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Các cấp, các ngành tăng tần suất, quy mô, hiệu quả công tác tuyên truyền để tạo đồng thuận, thống nhất thực hiện; đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra; kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm trước pháp luật các tổ chức, cá nhân khai báo không kịp thời, không trung trung thực để xẩy ra hậu quả lây lan dịch bệnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ thành phố tiên phong, gương mẫu trong phòng, chống dịch; chủ động, tự giác thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đồng chí nhấn mạnh, song song với các biện pháp phòng, chống dịch đang được thực hiện đồng bộ trên địa bàn, các cấp ủy Đảng phải xác định trọng tâm hiện nay là yêu cầu người dân từ TP.HCM, hoặc các vùng dịch khác hoặc có tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nêu trên phải khai báo đầy đủ trung thực qua website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone, phải có giấy xét nghiệm âm tính vi rút SARS-CoV-2 tối đa 3 ngày trước khi trở lại thành phố.
Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng đi vào các địa bàn có dịch nêu trên vẫn phải thực hiện xét nghiệm trước khi trở lại thành phố.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo giao Công an Thành phố chủ trì phối hợp các lực lượng chức năng triển khai các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn, đường ngang, ngõ tắt, đường nhánh, bến thủy nội địa, các bến tàu, bến xe liên tỉnh vào Thành phố và tại Cụm cảng hàng không miền Bắc; qua đó, kiểm soát toàn bộ người, phương tiện ra, vào thành phố tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố; kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc chủ động với toàn bộ người từ các tỉnh, thành phố khác trở về thành phố, bảo đảm hạn chế tối đa mầm bệnh xâm nhập.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của các tổ Covid cộng đồng, tăng cường giám sát, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, bảo đảm không để lọt ca nhiễm từ vùng dịch về; phối hợp với các lực lượng tuyến đầu thần tốc truy vết, khoanh vùng kịp thời khi phát hiện ca nghi nhiễm.
Tất cả phải vì mục tiêu kiểm soát dịch thật nhanh, không để dịch bùng phát. "Dịch diễn biến phức tạp một, cấp ủy, chính quyền thành phố phải cố gắng, nỗ lực mười để chặn đứng", Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ.