Bệnh viện quá tải, Indonesia đang rơi vào 'hố đen' Covid-19 giống Ấn Độ
Số ca mắc bệnh mới và tử vong do Covid-19 ở Indonesia liên tục tăng cao, đẩy hệ thống y tế nước này vào tình trạng quá tải. Giờ đây, Indonesia chính là tâm dịch mới ở châu Á.
Indonesia vượt Ấn Độ trở thành “tâm chấn” Covid-19
Vào một buổi chiều, 11 chiếc máy xúc đang đào nơi chôn cất mới tại một nghĩa trang ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Xe cứu thương xếp hàng dài để chờ đưa quan tài xuống. Trong lúc đó, các gia đình đau buồn vẫn đang cầu nguyện xung quanh các bia mộ.
Sadam Saifullah, một công nhân, cho biết, anh và các đồng nghiệp thường chôn cất hơn 100 thi thể mỗi ngày, so với chỉ khoảng 5 thi thể vào hồi tháng 3. “Chúng tôi phải làm việc tới tận đêm, cho đến khi ông chủ nói rằng đã xong việc”, Saifullah nói.
Số ca mắc bệnh và ca tử vong đã tăng nhanh chóng ở Indonesia trong những tuần gần đây khi biến thể Delta gây bùng phát một đợt dịch nghiêm trọng, giống như những gì đã xảy ra ở Ấn Độ vào mùa xuân. Indonesia ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục vào ngày 15/7 với 56.757 ca bệnh và 982 ca tử vong.
Tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều trên toàn cầu đã tạo ra diễn biến dịch khác nhau ở nhiều quốc gia. Số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang đạt đỉnh ở hầu hết các nước đang phát triển, những nơi vốn đang gặp khó khăn trong việc nhập khẩu đủ số lượng vaccine. Trong khi đó, cuộc sống đang dần trở lại bình thường ở những nước như Anh và Mỹ, những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao giúp giảm số ca nhiễm virus và nhập viện, dù các ca bệnh liên quan đến biến thể Delta đang tăng lên.
Biến thể Delta, được cho là có khả năng lây nhiễm gấp đôi so với phiên bản SARS-CoV-2 gốc, đã được phát hiện trên cả 4 hòn đảo đông dân nhất của Indonesia, bao gồm Java, Sumatra, Sulawesi và Kalimantan.
“Chúng tôi đang đối mặt với một kẻ thù (biến thể Delta-ND). Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả các nguồn lực sẵn có để đối phó với kẻ thù này, nhưng đó không phải là điều dễ dàng”, Luhut Pandjaitan, một bộ trưởng cấp cao của chính phủ Indonesia, cho biết hôm 15/7.
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 10 ngày đầu tháng 7, số ca tử vong trung bình hàng ngày được ghi nhận ở Bangladesh là 169 ca, tăng khoảng 75% so với 10 ngày trước đó. Trong cùng thời gian đó, số ca tử vong trung bình hàng ngày tăng hơn gấp đôi ở Nam Phi, lên 361 ca/ngày, và tăng 82%, lên khoảng 700 ca/ngày ở Indonesia.
Theo trang web Our World in Data, cả 3 quốc gia trên đã tiêm chủng đầy đủ cho chưa tới 6% dân số của họ.
“Thế giới đang ở một thời điểm nguy hiểm trong đại dịch này”, Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, cảnh báo.
Hệ thống y tế quá tải
Tại Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới, virus SARS-CoV-2 đã lây lan tới hầu hết các khu vực trên đất nước. Các bệnh viện phải dựng lều tạm bên ngoài khuôn viên để chăm sóc cơ bản cho bệnh nhân. Thậm chí, một số người bị bệnh nặng còn không được bệnh viện tiếp nhận. Các bác sĩ cho biết, trong bối cảnh hệ thống y tế đang quá tải, bệnh nhân nặng mới được chăm sóc y tế, nhưng khi đó đã quá muộn để cứu sống họ.
Bác sĩ Tri Maharani ở Jakarta cho biết, 3 trong số 14 bệnh nhân điều trị tại khu chăm sóc Covid-19 đặc biệt đã tử vong trong ca trực kéo dài 16 tiếng của cô vào đầu tuần này. Theo Maharani, nhiều bệnh nhân đến bệnh viện khi tình trạng sức khỏe đã chuyển biến xấu. “Họ ở nhà quá lâu. Gọi xe cứu thương rất khó. Các bệnh viện và phòng khám y tế công cộng luôn quá tải và bận rộn”, Maharani nói.
Không thể trông chờ vào bệnh viện, các gia đình đang tự tìm mua oxy để chăm sóc những người thân ở nhà. Hôm 9/7, Denny Suwito, 58 tuổi, đã xếp hàng chờ mua oxy cho một người bạn mắc Covid-19 của mình. Người này có nồng độ oxy trong máu đã giảm xuống mức thấp nguy hiểm. Suwito cho biết bạn của ông đang cách ly tại nhà sau khi 2 bệnh viện từ chối tiếp nhận. “Ông ấy ho liên tục”, Suwito nói.
Trong tuần qua, Indonesia ghi nhận trung bình khoảng 45.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, tăng gấp 3 lần so với mức đỉnh điểm trong đợt dịch của nước này hồi đầu năm. Tỷ lệ người dân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 của Indonesia là khoảng 27%. Tuy nhiên, năng lực xét nghiệm của Indonesia hiện vẫn chưa thể đáp ứng tình hình thực tế và số người mắc bệnh có thể còn cao hơn.
Chính phủ Indonesia đã cam kết đẩy nhanh việc triển khai vaccine nhưng chiến dịch tiêm chủng bị đình trệ do nguồn cung hạn chế. Indonesia đã đảm bảo phần lớn số vaccine từ công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc và hôm 12/7 đã nhận thêm 10 triệu liều vaccine từ công ty này. Ngoài ra, Indonesia cũng đặt mua vaccine từ các công ty sản xuất phương Tây như Pfizer, BioNTech SE và Novavax, nhưng dự kiến số vaccine này sẽ chưa thể chuyển giao trước tháng 8 hoặc tháng 9. Cho đến nay chỉ khoảng 5,5% dân số Indonesia được tiêm chủng đầy đủ.
Vào đầu tháng 7, chính phủ Indonesia đã công bố các biện pháp hạn chế mới tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 trên các đảo đông dân là Java và Bali. Hầu hết nhân viên văn phòng làm việc tại nhà và các trung tâm mua sắm, công viên công cộng và những địa điểm thờ cúng đều phải đóng cửa. Để cải thiện hệ thống y tế, chính phủ Indonesia đã bắt đầu nhập khẩu máy tạo oxy từ nước ngoài và mở rộng các khu bệnh viện điều trị Covid-19 trên khắp đất nước.
Mặc dù vậy, bệnh nhân Covid-19 vẫn rất khó khăn để tìm được nơi chăm sóc.
Yunita Kariman, 32 tuổi, một nhà phân phối quần áo sống ở Jakarta, cho biết, cha của cô đã tử vong do Covid-19 vào tuần trước. Kariman đã phải điên cuồng tìm kiếm giường bệnh cho cha sau khi lượng oxy trong máu của ông giảm xuống. Vào cuối tháng 6, cô và thành viên khác trong gia đình đã liên hệ tới hơn 20 bệnh viện ở Jakarta, nhưng không nơi nào đồng ý tiếp nhận.
Cuối cùng, Yunita quyết định đưa cha mình đến một khu chăm sóc Covid-19 lớn trong thành phố, nhưng được thông báo là không còn chỗ trống. Cha cô nằm thở oxy trên ghế sau của ô tô và chờ đợi trong khoảng 5 giờ.
Cuối cùng cha của Yunita cũng được đưa vào khoa cấp cứu lúc 21h, nhưng phòng chăm sóc đặc biệt đã chật kín chỗ. Nửa tiếng sau, một người họ hàng gọi điện cho biết có một bệnh viện khác gần đó đang mở cửa. Họ đặt cha của Yunita lên cáng và đưa ông đến bệnh viện cách chỗ cũ 15 phút lái xe.
Chỉ vài ngày sau, ông rơi vào trạng thái hôn mê, và bác sĩ đã đề nghị gia đình nên nói những lời cuối cùng với ông. Nhưng đáng tiếc vào thời điểm họ gọi điện, cha của Yunita đã qua đời. Nhân viên y tế đưa điện thoại lại gần mặt ông, Yunita chỉ biết khóc trước màn hình. “Cha sẽ hạnh phúc ở nơi đó”, Yunita nói.
“Đại dịch có lẽ sẽ không nhanh chóng kết thúc và bạn nên nhớ rằng virus luôn đột biến. Vì vậy, tôi sẽ mạnh mẽ hơn để đương đầu với đại dịch”, Yunita nói.
Tin nổi bật
Tin Video