Bệnh viện phải sử dụng 'cầm chừng' thuốc điều trị tay chân miệng thể nặng
(VOVTV) - Trước diễn biến của bệnh tay chân miệng, chiều 22/6, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi giám sát công tác phòng chống dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết tại TP.HCM.
Thiếu thuốc điều trị tay chân miệng
Sau khi đi thực địa tại trường Mầm non Thành phố và một khu dân cư, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến kiểm tra Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Tại đây đã và đang điều trị cho hàng loạt trẻ tay chân miệng nặng và nguy kịch của các tỉnh phía Nam chuyển về.
GS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, số bệnh nhân tay chân miệng nhập viện tại đây không tăng nhiều nhưng tỉ lệ bệnh nhân nặng thì tăng cao.
Cụ thể, so với với năm 2022 thì số bệnh nhân tay chân miệng nhập viện chỉ bằng 1/4, thế nhưng số ca nặng, nguy kịch lại gấp 2,5 lần. Bệnh viện cũng đã hội chẩn từ xa, hỗ trợ thực hiện lọc máu để cứu sống nhiều bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng ở tuyến dưới. Bởi vì nếu chuyển những trẻ này lên TP.HCM thì nguy cơ tử vong trên đường chuyển viện.
Điều đáng lo nhất hiện nay tại các bệnh viện của TP.HCM là thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng như Gamma Globulin và Phenobarbital truyền tĩnh mạch.
Vì thế, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã họp và thống nhất để điều chỉnh sử dụng Gamma Globulin theo hướng hết sức cân nhắc, dùng thêm thuốc thay thế. Tuy nhiên, việc sử dụng cân nhắc, tiết kiệm thuốc để điều trị cho các bệnh nhi cũng cần hỗ trợ pháp lý từ Bộ Y tế.
Phân luồng bệnh nhân và cập nhật thuốc thay thế
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đề nghị có quy định về phân bổ chuyển tuyến tay chân miệng cho 4 bệnh viện là: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để giảm áp lực, đảm bảo bệnh nhân được điều trị tốt nhất mà không quá tải cục bộ một bệnh viện. Đồng thời đề xuất Bộ Y tế cho công ty dược trong nước có thể nghiên cứu sản xuất thuốc Gamma Globulin, thay vì phải lệ thuộc vào việc nhập khẩu nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Thành Lâm, Cục phó Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, riêng thuốc Gamma Globulin có 13 số đăng ký ở Việt Nam nhưng sau dịch lại khan hiếm trên toàn cầu. Thuốc được điều chế từ huyết tương, nguyên liệu thiếu hụt nên nhà sản xuất chỉ sản xuất theo đặt hàng trước.
Hiện có khoảng 300 lọ thuốc này ở kho của Bệnh viện Chợ Rẫy và trên 2.000 lọ tại kho của một công ty dược. Khoảng giữa tháng 8 tới, thuốc có thể nhập về thêm.
Còn theo đại diện Cục Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, cần tăng cường năng lực của các bệnh viện đa khoa ở các tỉnh lân cận, không để bệnh nhân tay chân miệng cứ tập trung về TP.HCM, gây quá tải.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao công tác đảm bảo phân luồng ở Bệnh viện Nhi đồng 1, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, điều trị và cứu sống được nhiều ca bệnh nặng.
Về vấn đề thiếu thuốc và cập nhật thuốc thay thế, bà Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các bệnh viện phối hợp cùng Cục quản lý khám chữa bệnh để Bộ Y tế sớm ban hành văn bản áp dụng với các bệnh viện trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đã rất chủ động về vấn đề thuốc điều trị. Ngay từ tháng 12/2022, Bộ đã có công văn đề nghị các Sở Y tế tỉnh, thành dự trù số lượng thuốc để tránh bị động, dù việc dự kiến là rất khó. Trong trường hợp thuốc hiếm, chưa có số lưu hành, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị tìm kiếm nhà cung ứng, làm hồ sơ cấp phép.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nói: “Nếu chúng ta không dự kiến nhu cầu các thuốc hiếm, các loại thuốc điều trị, thì khi dịch bệnh bùng phát chúng ta sẽ ở trong tình trạng bị động. Vì vậy tôi đề nghị Sở Y tế và bản thân bệnh viện cũng phải dự kiến sơ bộ đối với nhu cầu sử dụng thuốc. Sở Y tế tổng hợp lại, sau đó chủ động kết nối với các nhà cung ứng”.
Tin nổi bật
Tin Video