'Bệnh viện không tường' giúp giảm gánh nặng y tế cho Indonesia trong đại dịch
(VOVTV)- “Bệnh viện không tường” hay còn được biết đến như dịch vụ y tế từ xa đã giúp Indonesia tăng cường hỗ trợ các bệnh nhân Covid-19 cách ly độc lập, giúp giảm gánh nặnh y tế trong bối cảnh đại dịch tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Tháng 7 năm ngoái, khi biến thể Delta tấn công, ngành y tế của Indonesia đứng trên bờ vực sụp đổ. Vào thời điểm đó, công suất các bệnh viện ở Indonesia thường xuyên ở mức 90%, thậm chí có những nơi công suất đã vượt quá 100%. Hơn một trăm ngàn bệnh nhân Covid-19 tại Indonesia đã tử vong kể từ đầu đại dịch. Nhiều người trong số đó đã không tiếp cận được các dịch vụ y tế. Rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đã phải hi sinh trong cuộc chiến chống đại dịch. Trước tình thế trên, Indonesia đã phát triển dịch vụ y tế từ xa dành cho các bệnh nhân Covid-19 dựa trên nền tảng đã có trước đó.
Trong làn sóng Covid-19 thứ ba do biến thể Omicron gây ra này, chính phủ Indonesia đã đưa ra lời kêu gọi các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng từ nhẹ đến vừa có thể cách ly tại nhà và sử dụng hỗ trợ y tế từ xa. Tổng thống Joko Widodo đã ví dịch vụ y tế từ xa của Indonesia giống như một "bệnh viện không tường" giúp các bệnh nhân mắc Covid-19 không cần đến bệnh viện, giảm khả năng lây truyền cho các bác sĩ và nhân viên y tế, giảm gánh nặng cho bệnh viện cũng như tránh các trường hợp thiếu hụt thiết bị y tế xảy ra khi quá tải.
Trong vai một bệnh nhân mắc Covid-19, phóng viên đài TNVN tại Indonesia đã thử kết nối với bác sĩ trực tuyến thông qua ứng dụng Alodokter.
Bác sĩ Irfa từ ứng dụng là người tư vấn đến từ phòng khám Dewa Medika đã hỏi han kỹ lưỡng về biểu hiện bệnh, tình trạng sức khỏe, xem xét kết quả xét nghiệm của bệnh nhân Covid-19. Sau đó, bác sĩ kê thuốc và hướng dẫn những điều cần thiết về chăm sóc y tế cho bệnh nhân cách ly tại nhà. Được biết, Alodokter là 1 trong 17 ứng dụng y tế mà Indonesia cung cấp để phục vụ các bệnh nhân Covid-19 từ 18 tuổi trở lên không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ cách ly độc lập. Để gặp các bác sĩ trực tuyến, bệnh nhân phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính từ các phòng xét nghiệm có liên kết với Bộ Y tế. Chưa đầy 24h sau tư vấn của bác sĩ, bệnh nhân sẽ nhận được gói thuốc miễn phí thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Người phát ngôn Bộ Y Tế Indonesia, Siti Nadia Tamizi cho biết:
"Với các bệnh nhân cách ly độc lập, Bộ Y tế Indonesia sử dụng dịch vụ y tế từ xa cung cấp bác sĩ tư vấn và thuốc miễn phí cho người dân. Chúng tôi đã liên kết với gần 1.000 phòng xét nghiệm, các nhà thuốc tại các khu vực và dịch vụ chuyển phát nhanh Sicepat để thực hiện việc phân phát thuốc miễn phí. Do đó, chúng tôi kêu gọi người dân thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở uy tín có liên kết với Bộ Y tế để được sử dụng dịch vụ này."
Có 2 gói thuốc Covid-19 chính tại "bệnh viện không tường" Indonesia. Gói A dành cho bệnh nhân không có triệu chứng bao gồm vitamin tổng hợp C, B, E, và kẽm. Gói B dành cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ gồm vitamin tổng hợp C, B, E và Kẽm, thuốc kháng virus Favipiravir 200 mg, hoặc Molnupiravir 200 mg và Paracetamol nếu cần.
Dựa trên dữ liệu từ Hiệp hội bác sĩ Indonesia (IDI), mỗi ứng dụng y tế trong số 17 ứng dụng cung cấp dịch vụ y tế từ xa hiện có khoảng 20.000 bác sĩ tham gia hỗ trợ, trong đó ứng dụng Alodokter có số lượng bác sĩ chuyên gia và đa khoa nhiều nhất là 26.000 bác sĩ.
Mặc dù là quốc gia đông dân nhưng số lượng bác sĩ Indonesia thấp thứ hai ở Đông Nam Á với tỷ lệ 0,4 bác sĩ trên 1.000 dân. Dịch vụ y tế từ xa trở thành giải pháp tốt giúp cho nhiều người dân có khả năng tiếp cận với các bác sĩ hơn. Dịch vụ này còn giúp cắt giảm thời gian và chi phí khi đến bệnh viện. Báo cáo của Oxford Business Group và ứng dụng Halodoc của Indonesia cho biết, thông thường bệnh nhân Indonesia đợi trung bình bốn giờ để có thể nhận được các dịch vụ y tế tại bệnh viện. Thông qua dịch vụ y tế từ xa, thời gian chờ đợi đã giảm xuống chỉ còn khoảng 35 phút.
Ban đầu dịch vụ y tế từ xa của Indonesia chỉ phục vụ cho bệnh nhân Covid-19 ở thủ đô Jakarta. Bắt đầu từ đầu tháng 2 vừa qua, dịch vụ này đã được mở rộng ra các thành phố lớn khác trên đảo Java và Bali. Trong thời gian tới, tùy vào điều kiện kết nối internet và các cơ sở vật chất, nhân lực, dịch vụ, chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ ra thêm nhiều vùng khác trên cả nước.