Bệnh viện Hồi sức Covid-19 căng mình điều trị bệnh nhân nguy kịch
(VOVTV) - Sau 4 ngày đi vào hoạt động, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã tiếp nhận 160 bệnh nhân nguy kịch và nặng, trong đó có 1 trường hợp phải chạy ECMO. Tại đây, mặc dù trang thiết bị chưa đầy đủ, song các y bác sĩ đang căng mình để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 hoạt động trên cơ sở trưng dụng một phần cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mới đưa vào hoạt động tháng 10/2020 tại Khu phố 3, phường Tân Phú, TP. Thủ Đức.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vẫn thực hiện song song hai nhiệm vụ là vừa tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 tình trạng nặng, nguy kịch và vừa đảm bảo điều trị ung thư trong ngày.
Bệnh viện có quy mô hỗ trợ hô hấp cho 1.000 bệnh nhân, gồm 100 giường hồi sức tích cực cho bệnh nhân nguy kịch, 900 giường cho bệnh nhân nặng, tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng, từ các tầng kế cận chuyển lên (trong mô hình 4 tầng của Sở Y tế), chứ không phải từ các bệnh viện dã chiến. Theo lộ trình, bệnh viện sẽ dần tăng cường trang thiết bị hồi sức cấp cứu ECMO, máy lọc máu, máy thở cao cấp và nhân lực cho quy mô 1.000 giường.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn cũng cho biết, dự kiến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 sẽ có tổng cộng 340 bác sĩ, 1.050 điều dưỡng và 1.500 nhân viên. Lực lượng tinh nhuệ nhất được huy động từ 3 bệnh viện lớn tại TP.HCM, là Bệnh viện Chợ Rẫy (82 người), Bệnh viện Nhân dân 115 (65 người), Bệnh viện Nhân dân Gia định (41 người), Bệnh viện Ung bướu (60 người):
Ngoài ra, bệnh viện sẽ bổ sung thêm các lực lượng bác sĩ tinh nhuận từ các bệnh viện của Trung ương do Bộ Y tế cử vào, huy động lực lượng từ các lực lượng bệnh viện tỉnh bạn. Thậm chí có thể huy động các lực lượng ở bệnh viện các tỉnh phía Nam về, vì bệnh viện đang chiến đấu cho cả khu vực phía Nam, không phải chỉ riêng cho TP.HCM. Bác sĩ Tuấn cho biết thêm.
Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, chia sẻ, sau 4 ngày hoạt động, bệnh viện đã tiếp nhận 160 bệnh nhân, trong đó 60 bệnh nhân hồi sức nguy kịch và 100 bệnh nhân hồi sức nặng. Trong 60 bệnh nhân hồi sức nguy kịch thì có 50 bệnh nhân phải thở máy. Trong số này có 6 ca phải lọc máu liên tục và một ca phải đặt hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO. 100 bệnh nhân khác được cho thở oxy qua mask, oxy dòng cao, 1/3 có nguy cơ diễn tiến nguy kịch, tiên lượng nặng. Hiện các bác sĩ đang nỗ lực hết sức để cứu chữa bệnh nhân.
Bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ thêm, hiện tại bệnh viện đang sử dụng nguồn trang thiết bị tại chỗ có sẵn và huy động từ các đơn vị khác như Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định và cả bệnh viện tư nhân như Vinmec, Hoàn Mỹ và một số bệnh viện khác của trên địa bàn.
Bác sĩ Linh nói: "Chúng ta cũng đã được sự hỗ trợ từ phía Bộ Y tế để chuẩn bị đầy đủ nhất có thể về trang thiết bị cho bệnh nhân hiện nay ở đây. Tuy nhiên, lượng bệnh nhân diễn tiến rất nhanh và với số lượng rất lớn, do đó mặc dù chuẩn bị đầy đủ nhưng dự kiến còn thiếu thốn, sắp tới phải tiếp tục hoàn thiện bổ sung".
Nhằm kịp thời tiếp nhận những bệnh nhân đang phải thở máy (máy thở cấp độ trung bình trở xuống) rất nhiều, khả năng dẫn đến tử vong rất cao tại các bệnh viện điều trị Covid-19 cấp 2, ngày 17/7, Tiến sĩ – Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy vừa được chỉ định điều hành Bệnh viện hồi sức Covid-19 đã có văn bản hỏa tốc gửi Thành ủy, UBND TP.HCM và Sở Y tế về việc khẩn trương điều phối trang thiết bị tối cần thiết cho bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, nguy kịch.
Bệnh viện đề xuất 23 loại trang thiết bị thiết yếu, với tổng cộng 2.015 thiết bị cung ứng khẩn cấp, điển hình, như: Hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO, lọc máu liên tục, minitor các loại, bộ hút đàm trung tâm, các loại máy thở, oxy lưu lượng cao....để kip thời cứu chữa cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch, giúp họ thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
Tin nổi bật
Tin Video