Đời sống

Bệnh viêm da liên cầu và một số điều cần biết

(VOVTV) - Viêm da liên cầu là một trong những bệnh lý ngoài da thường thấy. Xuất hiện ở những vùng nhiều lông, chất bã nhờn, mồ hôi, nhất là khi da phải tiếp xúc với môi trường nhiễm bẩn.

Tác giả PV / VOVTV
13/03/2021 18:20

Bạn có biết trên da chúng ta thường có nhiều loại vi khuẩn mà phần nhiều là tụ cầu và liên cầu. Chúng tập trung nhiều ở những vùng nhiều lông, chất bã nhờn, mồ hôi, nhất là khi da phải tiếp xúc với môi trường nhiễm bẩn.

Liên cầu khuẩn là một chi vi khuẩn Gram dương hình cầu thuộc ngành Firmicutes và nhóm vi khuẩn axit lactic. Phân chia tế bào diễn ra dọc theo một trục duy nhất trong các vi khuẩn này và do đó chúng phát triển trong chuỗi hoặc cặp, do đó tên tiếng Hy Lạp στρεπτός (streptos) có nghĩa là dễ dàng uốn cong hoặc xoắn, giống như một chuỗi (chuỗi xoắn).

Bệnh viêm da liên cầu và một số điều cần biết - Ảnh 1.

Liên cầu khuẩn phát triển trong chuỗi hoặc cặp. Ảnh: Internet

Đây là một chủng vi khuẩn có nhiều trên da bình thường, khi gặp các điều kiện thuận lợi, chúng sinh sôi nhanh và gây bệnh.

‎Một số bệnh viêm da hay gặp do liên cầu

Bệnh viêm da liên cầu khuẩn được chia thành nhiều dạng khác nhau với các triệu chứng đặc trưng của từng dạng như sau:

Chốc lây

Trong bệnh chốc, liên cầu thường phối hợp với tụ cầu gây bệnh, trẻ em mắc bệnh nhiều hơn người lớn.

Bệnh viêm da liên cầu và một số điều cần biết - Ảnh 2.

Người bệnh dạng chốc lây thường bị đỏ da và xuất hiện mụn nước. Ảnh: Internet

Hay gặp ở đầu, cổ, mặt, các chi, từ đó lan ra các chỗ khác, rất dễ lây nên còn gọi là chốc lây. Tổn thương bắt đầu bằng một phỏng nước nhỏ, lùng nhùng hình tròn, có quầng viêm đỏ. Lúc đầu nước trong dần dần thành mủ đục, giai đoạn phỏng nước và phỏng mủ rất ngắn. Sau đó đóng vẩy tiết vàng, dưới lớp vảy là một lớp chợt đỏ, nông, không cộm. Chốc thường gây viêm hạch ở vùng lân cận.

Chốc loét

Là thể chốc tổn thương lan sâu đến trung bì, thường ở chi dưới, nhất là ở chi có giãn tĩnh mạch. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân thiếu dinh dưỡng, vệ sinh kém, có bệnh tiểu đường hoặc nghiện rượu.

Bệnh viêm da liên cầu và một số điều cần biết - Ảnh 3.

Cảm giác ngứa ngáy tại các vùng da bị lở loét. Ảnh: Internet

Bắt đầu như chốc, bằng một phỏng nước hoặc một phỏng mủ, sau phỏng mủ vỡ, đóng vảy dày màu vàng sẫm hoặc nâu đen, có vảy thành nhiều lớp đùn cao lên gọi là vảy ốc. Bóc vảy để lại một vết loét đứng thành, nền tái, rớm mủ, ít nụ thịt, quanh vết loét da tái tím, tiến triển dai dẳng, khó lành.

Hăm kẽ

Hay gặp ở trẻ em mập mạp hoặc người lớn béo mập, ra mồ hôi nhiều, tổn thương hay gặp ở nếp cổ, kẽ bẹn, kẽ mông, kẽ sau tai, ở rốn, các ngấn da.

Bệnh viêm da liên cầu và một số điều cần biết - Ảnh 4.

Hăm kẽ là bệnh thường gặp ở trẻ em. Ảnh: Internet

Nếp kẽ đỏ da, trợt, rớm dịch, phía ngoài thường có viền róc da mỏng. Nếu cọ sát sẽ gây nhiễm bẩn, trợt loét chảy nước, chảy mủ, rất đau rát.

Chốc mép

Bệnh viêm da liên cầu và một số điều cần biết - Ảnh 5.

Chốc mép là một bệnh da liễu có khả năng lây nhiễm cho những người xung, thường gặp ở trẻ em. Ảnh: Internet

Hay gặp ở trẻ em, hai kẽ mép bị nứt trợt, rớm dịch, đóng vảy vàng, đau rát, dễ chảy máu, kèm đau hạch dưới hàm.

Viêm quầng

Đây là bệnh nhiễm khuẩn da và dưới da do chủng Streptococcus pyogenes độc tố cao. Bệnh có thể gây tử vong kể cả khi điều trị tại bệnh viện trước đây. Thời gian ủ bệnh 2 - 5 ngày, khởi phát sốt cao đột ngột, có khi co giật ở trẻ em, đau đầu, sốt rét và nôn. Da vùng bệnh cảm thấy căng, ngày thứ hai thấy đỏ, phù, bóng.

Bệnh viêm da liên cầu và một số điều cần biết - Ảnh 6.

Viêm quầng gây sốt cao li bì, hạch gần tổn thương sưng đau. Ảnh: Inte

Đám viêm quầng màu đỏ tươi, từ vài cm đến hàng chục cm, hơi cao hơn mặt da, nề, cộm, ranh giới rõ, có bờ nhô cao. Đau, nhất là bóp vào thì rất đau. Phù nề mi mắt, sinh dục hoặc ban đỏ có giới hạn rõ, mụn nước ở rìa hoặc có khi là đám phù nề, sưng nóng, đỏ, đau, giới hạn rõ, ở giữa tổn thương là phỏng nước hay bị loét hoại tử.

Bệnh nhân sốt cao li bì, hạch gần tổn thương sưng đau. Có thể biến chứng viêm nội tâm mạc, viêm khớp, màng não.

Đừng tự ý điều trị bằng thuốc bôi khi chưa có ý kiến bác sỹ chuyên khoa.

Bs. Lương Hoài Linh

Ý kiến của bạn