Bầu cử Tổng thống Pháp 2022: Vòng quyết đấu giữa hai đối thủ quen
Vòng hai của bầu cử đang được chờ đợi với nhiều kịch tính và gay cấn khi hai đối thủ là những người quen trong chính trị, mọi sự bất ngờ đều có thể xảy ra.
Kết quả chính thức của vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022 do Bộ Nội vụ Pháp công bố tối 11/4 (giờ Việt Nam) cho thấy ứng cử viên Emmanuel Macron đã dẫn trước đối thủ, cũng là người sẽ cùng ông quyết đấu trong vòng hai, bà Marine Le Pen, với khoảng cách chênh lệch khá lớn.
Kết quả vòng một không tạo ra bất ngờ, nhưng bộc lộ rõ nước Pháp đang bị chia rẽ.
Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron đã giành được 27,85% số phiếu bầu trong vòng đầu tiên diễn ra ngày 10/4, cao hơn so với những dự đoán của các cuộc thăm dò dư luận trong giai đoạn tranh cử.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen nhận được 23,15%, nhỉnh hơn chút ít so với tỷ lệ gần 22% của ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon.
Ba ứng cử viên này đã bỏ xa các đối thủ còn lại, trong đó có ứng cử viên cực hữu Eric Zemmour (7,2%), Valerie Pecresse từ đảng Cộng hòa cánh hữu (4,8%), Yanick Jadot thuộc đảng Môi trường (4,7%)...
Kết quả vòng một cho thấy uy tín của các đảng phái lớn, từng cầm quyền ở Pháp nhiều thập niên qua như đảng Cộng hòa và đảng Xã hội tiếp tục bị sụt giảm.
Ông Macron, ứng cử viên độc lập theo tư tưởng trung dung, và bà Le Pen sẽ cùng nhau bước tiếp vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp dự kiến diễn ra vào ngày 24/4 tới.4 tới.
Kết quả bầu cử vòng một cũng đánh dấu lần thứ ba một ứng cử viên cực hữu vượt qua cuộc bỏ phiếu vòng một bầu cử tổng thống Pháp, sau chiến dịch của bà Marine Le Pen vào năm 2017.
Trước đó, bước đột phá của cha bà, ông Jean-Marie Le Pen, vào năm 2002 đã gây chấn động nước Pháp, mặc dù cuối cùng ông không vượt qua được ứng cử viên Jacques Chirac.
Cuộc bầu cử vòng một lần này còn cho thấy người dân Pháp không mấy mặn mà với hoạt động chính trị. Mặc dù thời tiết đẹp và dịch bệnh đã giảm, nhưng cũng chỉ có 74% cử tri, trên tổng số 48,7 triệu người đăng ký, đã đi bỏ phiếu, thấp chỉ sau mức kỷ lục ghi nhận năm 2002 (73%).
Cơ hội đang mở ra đối với ông Macron, người đã lên nắm quyền ở tuổi 39 với tư cách là tổng thống trẻ nhất của Pháp.
Mặc dù trải qua một nhiệm kỳ đầy khó khăn với các vấn đề trong nước, khu vực và toàn cầu như phong trào "Áo vàng", dịch bệnh COVID-19, khủng hoảng kinh tế, xung đột ở châu Âu…, nhưng với hình ảnh trẻ trung, năng động, đương kim Tổng thống Pháp Macron đã tỏ ra ngày càng vững vàng và có khả năng huy động sức mạnh của cả hai phe tả-hữu trên bàn cờ chính trị Pháp.
Nếu tái đắc cử lần này, ông sẽ có 5 năm nữa để thúc đẩy các cải cách bao gồm nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65 tuổi, ưu tiên giáo dục và y tế, giảm thuế và tạo thêm công ăn việc làm.
Ông cũng sẽ có cơ hội để củng cố vị trí số một của mình trong số các nhà lãnh đạo châu Âu, sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel rời chính trường.
Trong khi đó, bà Marine Le Pen cũng là một ứng cử viên tiềm năng bởi những kinh nghiệm đúc kết được trong các cuộc tranh cử trước đã giúp bà nhận thêm nhiều sự ủng hộ của cử tri.
Nữ chính trị gia này cũng đã dành phần lớn sự nghiệp để cải tổ đảng của mình theo hướng tránh xa chủ nghĩa cực đoan, mặc dù quan điểm cứng rắn của bà về nhập cư thì vẫn giữ nguyên, và những tư tưởng cực hữu của đảng Tập hợp quốc gia vẫn là mối lo đối với đông đảo người dân Pháp, kể cả châu Âu.
Có thể nói bà đã rất thành công khi đưa đảng Tập hợp quốc gia từ một lực lượng đứng ngoài lề thành một thế lực đáng gờm trên bàn cờ chính trị Pháp.
Cử tri cũng đánh giá cao các giải pháp bà đưa ra trong cương lĩnh tranh cử lần này, như từ bỏ đề xuất rút nước Pháp ra khỏi định chế Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng tiền chung euro, nâng cao mức sống và tăng sức mua của người dân. Đây chính là mối quan tâm lớn nhất của người Pháp trong cuộc bầu cử.
Ngay sau khi có kết quả ở vòng một, ông Macron đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều ứng cử viên như Valérie Pécresse, Yannick Jadot, Fabien Roussel, Anne Hidalgo, những người kêu gọi cử tri của mình bỏ phiếu cho đương kim tổng thống ở vòng hai.
Bà Marine Le cũng được sự ủng hộ từ ứng cử viên Eric Zemmour và Dupont-Aignan. Riêng các ông Jean-Luc Mélenchon và Philippe Poutou tuy không bày tỏ việc ủng hộ Tổng thống Macron, nhưng lại kêu gọi cử tri của mình không bỏ phiếu cho bà Le Pen.
Theo lịch trình, hai ứng cử viên Macron và Le Pen sẽ có hai tuần để cho các cử tri thấy rõ ai là người xứng đáng cho vị trí tổng thống Pháp.
Trong giai đoạn tiếp theo kéo dài đến ngày 20/4, thời điểm quan trọng nhất sẽ là khi hai ứng cử viên tham gia cuộc tranh luận truyền hình được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia.
Dự kiến, ông Macron trong hai tuần tới sẽ tạm để sang một bên các nỗ lực ngoại giao trong cuộc khủng hoảng Ukraine, thay vào đó sẽ tập trung toàn tâm vào chiến dịch vận động tranh cử nhằm tìm lại động lực bầu cử.
Về phía bà Le Pen, với ba lần tham gia tranh cử tổng thống, bà đã trở thành một chính khách lão luyện, bền bỉ.
Do đó, sẽ khó có khả năng nữ chính trị gia này bị bối rối trước ông Macron, người đã giành ưu thế như trong cuộc tranh luận lịch sử cách đây 5 năm, trước thềm bầu cử vòng 2 năm 2017.
Vòng tiếp theo đang được chờ đợi với nhiều kịch tính và gay cấn khi hai đối thủ là "những người quen." Trong chính trị thì không thể loại trừ bất cứ điều gì và mọi sự bất ngờ đều có thể xảy ra.
Tương lai của nước Pháp và phần nào tương lai của EU phụ thuộc rất nhiều vào kết quả vòng hai, sẽ diễn ra trong hai tuần tới.
Từ nay đến lúc đó, cả hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen sẽ phải nỗ lực để thuyết phục 48,7 triệu cử tri đi bỏ phiếu và ủng hộ mình.
Tin nổi bật
Tin Video