Tin tức

Bầu cử Pháp tiếp tục 'nóng' với chủ đề xung đột tại Ukraine

(VOVTV) - Chủ đề về cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục đốt nóng các cuộc tranh luận và trả lời trên truyền hình của các ứng cử viên trong bối cảnh chưa đầy 3 tuần nữa cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022 sẽ diễn ra. Đa số các ứng cử viên đều phản đối Pháp can dự nhưng thừa nhận nguy cơ xung đột leo thang, lan rộng.

Tác giả Mạnh Hà / VOV Paris
25/03/2022 17:19

Phát biểu trong chương trình "Élysée 2022", ứng cử viên theo đường lối cực tả Jean-Luc Mélenchon (đảng "Nước Pháp bất khuất") cho biết phản đối việc Pháp can dự vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Theo nhân vật này, giải pháp ngoại giao vẫn cần được ưu tiên hơn cả nhưng cũng thừa nhận cơ hội đang dần ít đi và nguy cơ về một cuộc chiến tranh toàn diện tại châu Âu dần hiện hữu khi Nga ở tình thế không được phép thua.

Bầu cử Pháp tiếp tục 'nóng' với chủ đề xung đột tại Ukraine - Ảnh 1.

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đang bước vào giai đoạn tranh cử nước rút

Ứng cử viên cánh tả khác là ông Fabien Roussel đến từ đảng Cộng sản đặt lại vấn đề muốn Pháp rời khỏi NATO trong tương lai, ngay cả khi quan điểm này không còn phù hợp trong tình hình hiện nay. Ông Fabien Roussel cho rằng cần xem xét lại các điều khoản trong Hiệp ước NATO khi khối quân sự không thể ngăn cản được cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong khi đó, niềm hy vọng của lực lượng cánh hữu, đảng "Những người Cộng hoà" truyền thống, bà Valérie Pécresse bày tỏ ủng hộ các lệnh cấm vận đối với Nga cũng như ủng hộ chủ trương trưng dụng tài sản và bất động sản tại Pháp của giới tài phiệt Nga để hỗ trợ cho người tỵ nạn đến từ Ukraine. Bà Pécresse cho rằng đến lúc thay đổi cách nhìn nhận về Nga và Pháp cần tăng cường sức mạnh quân sự để có thể đảm đương sứ mệnh hòa giải.

Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen (đảng Tập hợp quốc gia) chia sẻ quan điểm cho rằng quân đội Pháp cần bổ sung khí tài, tăng cường tập trận cũng như tăng ngân sách quốc phòng để có thể đối phó với các cuộc xung đột quy mô lớn như tại Ukraine. Tuy nhiên, nữ ứng viên cực hữu này bày tỏ hoài nghi về thông tin khả năng vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Ukraina.

"Cần thận trọng với các thông tin tình báo được cung cấp chỉ từ các nước lớn. Bởi các nước lớn thường có xu hướng bảo vệ các lợi ích riêng của họ và chúng ta không bắt buộc phải theo kế hoạch mà họ đã đặt ra"

Các cuộc thăm dò trước bầu cử mới đây cho thấy, chủ đề xung đột Ukraine vẫn đứng thứ 2 trong các mối quan tâm hàng đầu của cử tri Pháp. Các ứng cử viên cực hữu và cực tả như bà Marine Le Pen và ông Jean-Luc Mélenchon đang ngày càng nhận được sự ủng hộ của cử tri Pháp, lần lượt đứng thứ 2 và 3 với 19% và 13%. Một trong hai nhân vật này có thể sẽ là đối thủ của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron tại vòng 2 bầu cử dự kiến vào ngày 24/4 tới.

Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) hôm qua công bố cho biết 48,7 triệu (tương đương 95%) người Pháp trong độ tuổi bầu cử đã ký đi bỏ phiếu cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sắp tới. Trong đó, khoảng 37% cho biết vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai trong 12 ứng cử viên Tổng thống.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn