Quốc tế

Bất ổn chính trị Bangladesh: Khi “giọt nước tràn ly”

(VOVTV) - Báo chí khu vực mô tả, làn sóng biểu tình của sinh viên đã lật đổ chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina chỉ trong 5 tuần ngắn ngủi. Tuy nhiên sự bất mãn của sinh viên với chính sách tuyển dụng công chức có vẻ chỉ là “giọt nước làm tràn ly” dẫn đến biến động chính trị lần này.

07/08/2024 08:11

Ngày 5/8, nữ Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước do sức ép của những người biểu tình phản đối chính sách tuyển dụng công chức. Sự kiện này cũng đặt dấu chấm hết cho hành trình 15 năm nắm quyền của nữ chính trị gia từng nổi tiếng vì góp phần chấm dứt chế độ quân chủ và hồi sinh nền kinh tế Bangladesh. 

Bất ổn chính trị Bangladesh: Khi “giọt nước tràn ly”- Ảnh 1.

Cuộc biểu tình đã buộc Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina phải từ chức và rời khỏi đất nước trong vội vã. Ảnh: Reuters

Sự kiện Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina phải từ chức và rời khỏi đất nước trong vội vã là một cú sốc với quốc gia Nam Á này và với chính bản thân nữ cựu Thủ tướng. Bà Hasina phải rời bỏ chức vụ mà bà đã nắm giữ suốt 3 nhiệm kỳ liên tiếp và chỉ 7 tháng sau cuộc bầu cử một lần nữa đưa bà tới đỉnh cao quyền lực. Nhưng nhiệm kỳ thứ 4 này không hề yên ả với bà khi cuộc bầu cử bị phe đối lập tẩy chay, trong khi chính sách hạn ngạch viên chức vốn đã bị giới trẻ, đặc biệt là nhóm sinh viên tốt nghiệp đại học phản đối từ vài năm qua bỗng nhiên được xới lại, trở thành ngòi nổ cho các cuộc biểu tình và bạo loạn trên khắp đất nước.

Thực tế, cuộc khủng hoảng mang tên “Hạn ngạch viên chức” của đất nước Bangladesh năm 2024 mang nhiều màu sắc giống như cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab” cách đây 14 năm tại một loạt quốc gia Arab Hồi giáo ở Trung Đông, Bắc Phi. Mâu thuẫn xã hội và năng lượng của sự bất mãn được tích lũy qua hàng thập niên, dưới các chế độ lãnh đạo kéo dài trở thành lực cản đối với xã hội. Những mâu thuẫn và bức xúc của người dân dồn nén và chỉ chờ “điểm sôi” để bùng phát trở thành cuộc khủng hoảng chính trị, an ninh và xã hội cho cả đất nước. Điều này một lần nữa chứng minh cho thực tế rằng các nhà lãnh đạo chính trị có xu hướng xa rời thực tiễn của quần chúng khi họ nắm quyền càng lâu.

Bất ổn chính trị Bangladesh: Khi “giọt nước tràn ly”- Ảnh 2.

Người biểu tình đốt xe ăn mừng sau khi Thủ tướng rời đi. Ảnh: Reuters

Bản thân cựu Thủ tướng Bangladesh cũng không ý thức được rằng các cuộc biểu tình của phong trào sinh viên, vốn tập trung phản đối chế độ hạn ngạch trong tuyển chọn viên chức lại có sức mạnh tới vậy. 

Tuy nhiên, phong trào này mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vốn gây ra chấn động những ngày vừa qua. Bất chấp những thành quả, công sức trong 15 năm qua để đưa nền kinh tế Bangladesh phát triển vượt bậc từ vị trí thấp kém, Chính phủ của bà Sheikh Hasina được cho là vẫn chưa làm đủ tốt để mang lại công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là đối tượng thanh niên. 

Bangladesh được mệnh danh là "xưởng may của thế giới", xuất khẩu hàng dệt may có kim ngạch khoảng 40 tỷ USD mỗi năm. Nhưng sau đại dịch Covid-19, giống như nhiều quốc gia Nam Á láng giềng, kinh tế Bangladesh trải qua thời kỳ lạm phát cao, xuất khẩu sụt giảm và cạn kiệt dự trữ ngoại hối, tình hình thất nghiệp cũng đáng báo động. Ước tính khoảng 18 triệu thanh niên Bangladesh đang tìm việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tốt nghiệp đại học cao hơn so với các nhóm có học vấn thấp. Thực tế này đặt ra câu hỏi tại sao thế hệ thứ ba của các cựu binh thời chiến tranh giành độc lập vẫn được hưởng đặc quyền, góp phần vào những bức xúc.

Bất ổn chính trị Bangladesh: Khi “giọt nước tràn ly”- Ảnh 3.

Người biểu tình xông vào dinh thự Thủ tướng và cướp phá đồ đạc. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, phải kể đến sự đàn áp của lực lượng an ninh, cùng các yếu tố bên ngoài can thiệp cũng góp phần khiến cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng.

Trong bối cảnh hỗn loạn hiện nay, quân đội Bangladesh đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo trật tự quốc gia, truy tìm và xét xử các đối tượng chịu trách nhiệm về cái chết của người biểu tình, cũng như hỗ trợ chính phủ lâm thời mới được lập ra tổ chức cuộc bầu cử mới.

Tuy nhiên, lực lượng này sẽ không đóng vai trò điều hành chính phủ mới, như tuyên bố của Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh Đại tướng Waker-Us-Zaman trong những ngày qua. Trong ngày 6/8, Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin đã giải tán Quốc hội theo yêu cầu của lực lượng biểu tình. Theo thông báo từ Văn phòng Tổng thống Bangladesh, cựu Thủ tướng Khaleda Zia, Chủ tịch Đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh (BNP) cũng được trả tự do, cùng với việc phóng thích tất cả những người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình của sinh viên trước đó. Điều này sẽ giúp đảng BNP đối lập sẽ có thể trở lại mạnh mẽ trong cuộc bầu cử được lên kế hoạch trong thời gian tới.

Tới thời điểm này, những người đứng đầu Phong trào Sinh viên chống Phân biệt đối xử mới chỉ đưa ra yêu cầu Tiến sĩ Muhammad Yunus, người từng đoạt giải Nobel, cho vị trí đứng đầu chính phủ lâm thời tại nước này nhằm giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay. Tuy nhiên, chưa rõ nhân vật này đã chấp nhận đề cử hay chưa, cũng như kế hoạch của phong trào biểu tình cho lộ trình chính trị của đất nước trong tương lai.

Với những gì đang diễn ra, tương lai của đất nước Nam Á Bangladesh có vẻ ảm đạm, với tình hình bất ổn chính trị có thể diễn ra trong một thời gian dài. Đất nước này vẫn đang vật lộn với những khó khăn kinh tế và đang nằm trong chương trình cho vay cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Việc lựa chọn của người dân trong cuộc bầu cử sắp tới cũng sẽ quyết định tương lai chính trị của đất nước giữa một bên là chủ nghĩa dân tộc thế tục và một bên là chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo. Và điều có thể chắc chắn là bất ổn sẽ tiếp tục đeo đuổi đất nước này trong thời gian tới.

Bất ổn chính trị, an ninh kèm những hệ quả kinh tế, xã hội tại Bangladesh chắc chắn sẽ không chỉ gói gọn trong biên giới đất nước này. Ấn Độ, quốc gia láng giềng có quan hệ thân thiết với chế độ của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina cũng đang theo dõi sát tình hình và sẵn sàng với các kịch bản ứng phó. 

Bất ổn chính trị xã hội tại Bangladesh nếu không được giải quyết nhanh chóng có thể kèm theo một cuộc khủng hoảng nhân đạo hướng về phía biên giới Ấn Độ. Rối loạn chính trị nếu kéo dài cũng sẽ là nguy cơ khi khủng bố có thể sẽ tận dụng cơ hội để gia tăng ảnh hưởng tại đất nước có đa số theo Hồi giáo này. Cộng đồng người Hindu thiểu số tại Bangladesh những ngày qua đã trở thành mục tiêu của các vụ bạo lực chính trị, khiến Chính phủ Ấn Độ lo ngại.

Chính vì vậy, một nước Bangladesh ổn định về chính trị, an ninh, thịnh vượng về kinh tế là điều mà Ấn Độ mong mỏi, khi mà New Delhi còn đang phải đối phó với những điểm nóng ở biên giới với Trung Quốc và Pakistan. Chính bởi vậy, Ấn Độ sẽ cần phải kiên nhẫn chờ đợi một chính phủ mới ra đời ở Dhaka và cùng tìm kiếm cơ hội hợp tác với Bangladesh trong thời gian sớm nhất.

Hiện tại, sau khi Thủ tướng Bangladesh từ chức và rời khỏi đất nước, được cho là sang Ấn Độ, lực lượng an ninh biên giới của Ấn Độ đã đưa ra cảnh báo cao độ cho tất cả các đơn vị dọc theo biên giới với Bangladesh dài hơn 4.000 km.

Trong diễn biến mới nhất, truyền thông Bangladesh đưa tin ông Muhammad Yunus, từng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2006, sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ lâm thời tại quốc gia Nam Á này.

Theo hãng thông tấn BSS, quyết định được đưa ra tại cuộc họp giữa Tổng thống Mohammed Shahabuddin với người đứng đầu ba cơ quan cùng các thành viên điều phối của Phong trào sinh viên chống phân biệt đối xử để hoàn tất bộ khung của chính phủ lâm thời trong tối 6/8.

Trao đổi với BSS, Thư ký báo chí của Tổng thống Joynal Abedin cho biết Tổng thống Shahabuddin đã nhất trí với đề xuất tại hội nghị, và các thành viên khác của chính phủ lâm thời sẽ được hoàn chỉnh trong sự tham vấn với các chính đảng khác.

Cũng theo BSS, phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Shahabuddin khẳng định Bangladesh đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc và để giải quyết vấn đề, chính phủ lâm thời cần phải được thành lập càng sớm càng tốt. Ông cũng hối thúc tất cả các bên cùng nhau chung tay giải quyết khủng hoảng.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Shahabuddin đã giải tán Quốc hội, mở đường cho việc thành lập một chính phủ lâm thời một ngày sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi Bangladesh./.


Ý kiến của bạn