Kinh doanh

Bất động sản nghỉ dưỡng khởi động để đón làn sóng phục hồi du lịch

(VOVTV) - Sau hai năm ngành khách sạn chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch COVID-19, năm 2022 Việt Nam dự kiến sẽ đón nhận nhiều dự án khách sạn mang thương hiệu quốc tế đi vào hoạt động tại các thị trường du lịch quen thuộc như Regent Phú Quốc, Voco Hotel Đà Nẵng, Best Western Plus Marvella Nha Trang, Radisson Resort Phan Thiết, Mercure Đà Lạt...

02/03/2022 16:41

Ông Mauro Gasparotti – Giám đốc Savills Hotels APAC nhận xét, các tín hiệu tích cực gần đây cho thấy nhiều chủ đầu tư cũng như đội ngũ vận hành khách sạn đang tái khởi động hoạt động kinh doanh, triển khai kế hoạch tuyển dụng, đào tạo và thúc đẩy hoạt động marketing để đón đầu làn sóng phục hồi của thị trường quốc tế.

Tại Việt Nam, Công ty Savills ghi nhận nhiều dự án khách sạn đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và triển khai hoạt động tiền khai trương để có thể chào đón du khách trong thời gian tới; đặc biệt là việc sử dụng hệ thống phân phối, mạng lưới truyền thông toàn cầu trong quảng bá và thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam.

Trong khu vực, hiện nhiều quốc gia cũng đang dần nối lại các hoạt động du lịch như Thái Lan, Indonesia, Campuchia. Để có thể cạnh tranh và khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông, quảng bá và xúc tiến du lịch. Điều này cần một sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương đến các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này - ông Mauro Gasparotti chia sẻ.

Như vậy, sau 4 tháng triển khai chương trình thí điểm “hộ chiếu vaccine”, kể từ tháng 11/2021 Việt Nam đã đón gần 9.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Con số này hiện vẫn hạn chế so với kỳ vọng do các quy định của chương trình này đối với khách quốc tế còn khá khắt khe.

Bất động sản nghỉ dưỡng khởi động để đón làn sóng phục hồi du lịch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, với mục tiêu hỗ trợ ngành du lịch đón 65 triệu lượt khách; trong đó có 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022, các cơ quan chức năng đã đồng ý mở cửa toàn bộ các hoạt động du lịch từ ngày 15/3, đồng thời, khôi phục lại các chính sách về thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế.

Theo đó, khách quốc tế khi đến Việt Nam, nếu đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế thì có thể du lịch tự túc mà không phải đăng ký theo tour trọn gói như giai đoạn thí điểm. Đây là một trong những động thái tích cực giúp phân khúc khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam hồi sinh sau thời gian dài im ắng.

Tự do di chuyển đã giúp thị trường du lịch nội địa nóng trở lại. Đồng thời, việc mở cửa đường bay quốc tế vào tháng ba là cơ hội vàng để ngành du lịch Việt Nam trở lại với sức bật mới. Mặc dù thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang được hưởng lợi từ sức nóng của du lịch trong nước, tuy nhiên, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, nguồn khách quốc tế sẽ đóng vai trò như một đòn bẩy mạnh mẽ cho sự bật dậy của thị trường du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Hưng - một người Đức gốc Việt đang sinh sống tại Thành phố Munich (Đức) cho biết, ngay khi có thông tin Việt Nam mở cửa trở lại các đường bay quốc tế, gia đình ông đã nhanh chóng tìm hiểu và đặt vé Việt Nam vào dịp cuối tháng 7 tới. Cả nhà ai cũng háo hức trở lại Việt Nam sau 3 năm ngăn cách bởi dịch bệnh và dự định của sẽ dành 2 tuần để đi du lịch tại một số điểm mới trong nước. Hiện nay, giá vé khứ hồi gia đình ông Hưng đặt cho hành trình trở về Việt Nam cuối tháng 7 và quay lại Đức cuối tháng 8 đang là hơn 800 Euro/người.

Đáng chú ý, để chuẩn bị cho giai đoạn khởi sắc sắp tới, thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam tái khởi động với sự góp mặt của nhiều thương hiệu khách sạn quốc tế. Theo thống kê của Savills, số lượng dự án khách sạn và resort mang thương hiệu tại Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng, từ 36 dự án với 8.200 phòng vào năm 2010 đã tăng lên đến 120 dự án với 32.000 phòng vào cuối tháng 1/2022.

Nếu như trước đây các đơn vị điều hành quốc tế và khu vực có xu hướng chú trọng sự hiện diện tại các thị trường trọng điểm như Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc thì hiện nay các điểm đến du lịch đang phát triển gồm Hồ Tràm, Đà Lạt, Phan Thiết, Quy Nhơn... cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Thống kê của Savills Hotels cũng cho thấy, có khoảng 64 thương hiệu khách sạn khu vực và quốc tế đã hiện diện trên thị trường Việt Nam. Việc đồng hành cùng với các đơn vị điều hành quốc tế giúp các khách sạn có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng hơn, đặc biệt là thị trường khách nước ngoài.

Điển hình là vừa qua, Công ty cổ phần Vinpearl và Tập đoàn khách sạn Meliá Hotels International đã công bố lộ trình hợp tác chiến lược nhằm khai thác lợi thế của hai bên. Theo đó, Vinpearl sẽ hợp tác chuyển giao quyền quản lý 12 khách sạn, khu nghỉ dưỡng cho Meliá Hotels International.

Chia sẻ về xu hướng này, ông Mauro Gasparotti cho rằng, chủ đầu tư ngày càng hiểu rõ hơn vai trò và giá trị của thương hiệu đối với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Việc hợp tác với các thương hiệu khách sạn giúp đem đến giá trị cho dự án ngay từ giai đoạn ban đầu thông qua các dịch vụ tư vấn kỹ thuật và tiền khai trương, nhằm đảm bảo dự án đạt được các tiêu chuẩn thiết kế và có khả năng vận hành hiệu quả, tối ưu chi phí khi đi vào hoạt động.

Đến giai đoạn vận hành, thông qua các hệ thống phân phối, chương trình hội viên và mạng lưới marketing toàn cầu, thương hiệu khách sạn giúp dự án gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt là đối với các thị trường đang phát triển như Hồ Tràm, Phan Thiết, Đà Lạt... thì sự hiện diện của các thương hiệu quốc tế cũng sẽ tạo đà phát triển cho khu vực; giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và góp phần gia tăng nhận diện khu vực thành điểm đến quốc tế trong tương lai - chuyên gia này phân tích.

Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, hiện nay, việc song hành cùng với các thương hiệu khách sạn giúp gia tăng tính cạnh tranh cho dự án. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi quá trình hoạch định và nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể lựa chọn thương hiệu phù hợp với mô hình kinh doanh của dự án khi nhu cầu khách hàng ngày càng phân hóa đa dạng hơn.

Trên thực tế, du lịch là một ngành không ngừng thay đổi để thích nghi với các xu hướng mới. Bên cạnh các thương hiệu khách sạn truyền thống chú trọng tiêu chuẩn dịch vụ, tiện nghi cơ bản của khách lưu trú thì thị trường vẫn cần nhiều thương hiệu mới nhằm đáp ứng nhóm khách du lịch với đặc tính riêng dựa theo những thay đổi về yếu tố nhân khẩu học; sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, xu hướng của thế hệ trẻ chú trọng trải nghiệm hay thành phần dân số già...

Bên cạnh đó là xu hướng quan tâm sức khoẻ toàn diện (wellness). Mặc dù xu hướng này đã phát triển trên thế thế giới từ khá lâu nhưng tại thị trường Việt Nam thì vẫn còn mới mẻ. Kể từ sau đại dịch, xu hướng này bộc lộ rõ nét hơn và thúc đẩy thị trường phát triển nhiều dòng sản phẩm với các thương hiệu phù hợp để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Do đó, sự kết hợp của nhiều thương hiệu khách sạn cùng với các nhà phát triển dự án tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần tạo thêm giá trị sản phẩm du lịch, từ đó gia tăng vị thế của ngành du lịch trên bản đồ du lịch quốc tế.

Trong số đó, yếu tố bền vững cũng được chú trọng và là một chủ đề đáng quan tâm trong phát triển du lịch khi sử dụng các sản phẩm và nguồn lực có sẵn tại địa phương nhằm giảm thiểu tác động từ hoạt động kinh tế này đến môi trường.

Ý kiến của bạn