Kinh doanh

Bất động sản công nghiệp Việt Nam: Đón ''sóng'' đầu tư mới

Trước xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu, Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là cơ hội và là thời điểm thuận lợi cho bất động sản công nghiệp Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới để phát triển.

13/11/2020 15:54

Làn sóng đầu tư mới tập trung vào bất động sản công nghiệp

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, tác động của tranh chấp thương mại giữa các nước lớn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu có sự thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trong bối cảnh đó, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã trở thành điểm sáng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính trị - xã hội ổn định, thủ tục hành chính được cải cách mạnh mẽ, nguồn nhân lực dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng... và đặc biệt là dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả đã mang đến môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng hấp dẫn cho Việt Nam.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, mặc dù 10 tháng năm 2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả nước giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn đạt 23,48 tỷ USD với 2.000 dự án mới. Trong đó, 46% vốn FDI dành cho lĩnh vực sản xuất, 15% cho bất động sản. Dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam chủ yếu đến từ các nền kinh tế châu Á, Mỹ và khu vực Đông Nam Á.

bất động sản công nghiệp 1

Bất động sản công nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp nước ngoài (Ảnh: Hà Nội mới)

Trước diễn biến đó, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng khẳng định, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang đón làn sóng đầu tư mới từ sự dịch chuyển sản xuất với mục tiêu của khách thuê là muốn đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng.

“Khảo sát của CBRE Việt Nam (Tập đoàn Tư vấn kinh doanh bất động sản quốc tế CBRE) cho thấy, trong 12 tháng qua, nhu cầu khách thuê đất, nhà xưởng, kho bãi rất lớn đã khiến nguồn cung bất động sản công nghiệp liên tục được mở rộng. Cụ thể, quý III-2020, nguồn cung mới nhà xưởng và nhà kho xây sẵn tăng mạnh ở các khu công nghiệp trọng điểm. Trong đó, xưởng và kho xây sẵn tại miền Bắc đạt khoảng 2,1 triệu mét vuông, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tại miền Nam, kho xây sẵn đạt 2,7 triệu mét vuông, tăng 28,2%; xưởng xây sẵn đạt 2,9 triệu mét vuông, tăng 11%”, Giám đốc bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam Lê Trọng Hiếu cho biết.

Hướng tới phát triển bất động sản công nghiệp theo chiều sâu

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 336 khu công nghiệp (tổng diện tích khoảng 97.800ha) với cơ sở hạ tầng, dịch vụ kho bãi, logistics… đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư trong và ngoài nước.

Chia sẻ về làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp mới, ông C.K Tong, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW Industrial (tỉnh Bình Dương) xác nhận: “Gần đây, chúng tôi nhận được những lời yêu cầu thuê đất, nhà xưởng, nhà kho từ nhiều doanh nghiệp châu Âu. Điểm quan trọng là các nhà sản xuất không đến một mình mà dịch chuyển toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng. Vì vậy, chúng tôi đang sẵn sàng đầu tư để đáp ứng các yêu cầu này”. Ông C.K Tong cũng dự báo, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong 5-10 năm tới do nhu cầu lớn của các nhà đầu tư mới và hiện hữu.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam: Đón ''sóng'' đầu tư mới - Ảnh 2.

Làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp đang có nhiều triển vọng (Ảnh: Tuổi trẻ)

Bàn về làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp mới, Giám đốc bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam Lê Trọng Hiếu chỉ ra 3 xu hướng sẽ xuất hiện từ năm 2020 trở đi. Một là, mở rộng sản xuất của các khách thuê hiện hữu. Hai là, chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài mới trong lĩnh vực kho vận sẽ gia nhập thị trường Việt Nam. Ba là, chủ đầu tư và nhà phát triển sẽ mua lại các dự án bất động sản công nghiệp hiện hữu. Để đáp ứng xu hướng trên, chính quyền địa phương cần hoàn thiện quy hoạch trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội, thế mạnh của địa phương, đồng thời chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Các chuyên gia cho rằng, đây là lúc doanh nghiệp cần nghiên cứu và đa dạng hóa mô hình như phát triển khu công nghiệp sinh thái, liên kết ngành, hỗ trợ, chuyên sâu, kết hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ để phát triển đồng bộ, tạo môi trường sống, làm việc đẳng cấp cho chuyên gia, người lao động. Đồng thời bên cạnh chính sách hỗ trợ, cần giám sát việc phát triển khu công nghiệp theo quy hoạch, tránh hiện tượng phát triển theo phong trào.

bất động sản công nghiệp 2

Bất động sản công nghiệp Việt Nam cần được chú trọng đầu tư hơn nữa (Ảnh: Internet)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị những tiền đề cần thiết để sẵn sàng trở thành địa điểm sản xuất quan trọng của thế giới. Trong đó, việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế - xã hội và môi trường đang là xu thế mới hiện nay. Từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số nhà tài trợ thí điểm chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng nhưng có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp cần bám sát định hướng này để tiếp tục nâng cấp các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện có, đầu tư phát triển khu công nghiệp mới đủ điều kiện đón các tập đoàn toàn cầu lớn.

Ý kiến của bạn