Tin tức

Bắt đầu xét xử vụ án xảy ra tại Tâp đoàn FLC

(VOVTV) - Hôm nay 22/7, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) với 50 bị cáo.

Tác giả Đình Hiếu/VOV1
22/07/2024 11:25

Để chuẩn bị cho phiên xét xử, tòa án đã triệu tập hơn 100 nghìn nhà đầu tư được xác định là bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Để chuẩn bị cho hàng nghìn nhà đầu tư đến tham dự phiên tòa, TAND TP Hà Nội đã dựng rạp lớn, chuẩn bị màn hình, ghế ngồi... cho hàng nghìn người.

Bắt đầu xét xử vụ án xảy ra tại Tâp đoàn FLC- Ảnh 1.

Bắt đầu xét xử vụ án xảy ra tại Tâp đoàn FLC- Ảnh 2.

Trong phiên xét xử sáng nay, sau phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, đại diện VKS ND TP Hà Nội công bố bản cáo trạng. Theo đó, Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, tiền thân là Công ty xây dựng và đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng. Quy mô vốn này được giữ nguyên trong hơn ba năm tiếp theo. Nhưng chưa đầy hai năm sau đó, từ năm 2014 đến năm 2016, Trịnh Văn Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của FLC Faros. Thời điểm này, Trịnh Văn Quyết đưa ra kế hoạch biến Faros thành công ty đại chúng để niêm yết trên sàn chứng khoán Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE).

Bắt đầu xét xử vụ án xảy ra tại Tâp đoàn FLC- Ảnh 3.

Kế hoạch này của Trịnh Văn Quyết đã được Trần Đắc Sinh cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, Lê Hải Trà cùng một số cán bộ khác tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam giúp sức. Theo quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị và Hội đồng niêm yết sàn HoSE thì việc thẩm định chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị. Ngoài ra, Trần Đắc Sinh biết rõ, báo cáo kiểm toán về tài chính năm 2014 và 2015 của doanh nghiệp này không phù hợp.

Trần Đắc Sinh bị cáo buộc nhiều lần trực tiếp chỉ đạo cấp dưới là Lê Hải Trà, Trần Tuấn Vũ và Lê Thị Tuyết Hằng tạo điều kiện sớm niêm yết cổ phiếu cho Faros. Do đó, trong khi Công ty Faros chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định, Trần Đắc Sinh đã chỉ đạo, tổ chức họp Hội đồng quản trị quyết định về hồ sơ niêm yết của Công ty Faros.

Bắt đầu xét xử vụ án xảy ra tại Tâp đoàn FLC- Ảnh 4.

Tại cơ quan điều tra, Trần Đắc Sinh khai, do có mối quan hệ thân quen với Trịnh Văn Quyết nên muốn giúp việc chấp thuận niêm yết cho Công ty Faros, từ đó doanh nghiệp này có điều kiện thu hút vốn của nhà đầu tư trên thị trường, thông qua đó sàn Giao dịch chứng khoán TPHCM sẽ có doanh thu từ phí niêm yết, phí giao dịch chứng khoán. Là cấp dưới của Trần Đắc Sinh nên Lê Hải Trà cũng biết rõ báo cáo kiểm toán về tài chính của Công ty Faros có vi phạm bởi “chưa có căn cứ xác định số vốn thực góp”. Nhưng do có mối quan hệ quen biết Trịnh Văn Quyết từ trước nên Lê Hải Trà vẫn gây sức ép để đề xuất chấp thuận hồ sơ niêm yết của Công ty Faros trong khi chưa đủ cơ sở xác định vốn góp. Là thành viên Hội đồng niêm yết, Lê Hải Trà đã ký phiếu đồng ý niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros. Ngoài ra, Lê Hải Trà đã họp Hội đồng quản trị và đồng ý niêm yết cổ phiếu.

Sai phạm của Trần Đắc Sinh và Lê Hải Trà dẫn đến hậu quả là Trịnh Văn Quyết được niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống trên sàn chứng khoán, thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của nhà đầu tư. Trước khi xét xử, cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và gia đình đã nộp thêm 23 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả. Nâng tổng số tiền bị cáo này khắc phục lên 212,5 tỷ đồng, bằng khoảng 5% tổng thiệt hại vụ án ./.

Ý kiến của bạn