Tin tức

Bắt đầu phiên tòa xét xử vụ án Gang thép Thái Nguyên

(VOVTV) - Ngày 12/4, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại công ty Gang thép Thái Nguyên. Đây là một trong 5 vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm trong năm nay.

Tác giả Đình Hiếu / VOV1
12/04/2021 18:11

Hội đồng xét xử gồm 5 người, 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân do Thẩm phán Phan Huy Cương làm chủ tọa.

Bắt đầu phiên tòa xét xử vụ án Gang thép Thái Nguyên - Ảnh 1.

HDXX tại phiên tòa

Tại phiên xét xử sáng nay (12/4), trong số 19 bị cáo của vụ án, 18 bị cáo đã có mặt tại phiên tòa, 1 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt do đang bị bệnh nặng. Một số luật sư đề nghị HĐXX triệu tập ông Hoàng Trung Hải, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ và ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Về ý kiến này, sau HĐXX khi hội ý, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Phan Huy Cương quyết định: "Đối với ý kiến đề nghị triệu tập nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương, HĐXX nhận thấy trong quá trình điều tra cơ quan điều tra đã thu thập đầy đủ tài liệu có liên quan, các luật sư đã được nghiên cứu, tìm hiểu, trong quá trinh xét xử nếu cần thiết HĐXX sẽ công bố".

Bắt đầu phiên tòa xét xử vụ án Gang thép Thái Nguyên - Ảnh 2.

Đại diện VKS công bố bản cáo trạng

Trong phiên xét xử buổi chiều, HĐXX xét hỏi một số bị cáo để làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm hợp đồng. Khi được xét hỏi, bị cáo Trần Trọng Mừng, cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên đã thừa nhận trách nhiệm do chưa xem xét kĩ năng lực của nhà thầu phụ trong dự án, phần nào dẫn đến việc dự án bị ngừng thi công như hiện nay.

Bắt đầu phiên tòa xét xử vụ án Gang thép Thái Nguyên - Ảnh 3.

Các bị cáo tại phiên tòa

Theo cáo trạng, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 3.800 tỉ đồng. Đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tháng 7/2007, cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) Trần Trọng Mừng ký hợp đồng với Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên. Giá trị hợp đồng hơn 3.680 tỷ đồng.

Sau hơn 11 tháng khởi công xây dựng, Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục; chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ; chưa triển khai thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu.

Dù dự án không tiến triển, Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vẫn gửi nhiều văn bản đề nghị TISCO kéo dài thời gian thực hiện dự án, đồng thời yêu cầu tổng chi phí cho hợp đồng "đội" lên thêm 138 triệu USD nữa.

Bắt đầu phiên tòa xét xử vụ án Gang thép Thái Nguyên - Ảnh 4.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo

Cáo trạng chỉ rõ, trước sự chậm trễ của Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC), các bị can Trần Trọng Mừng, Mai Văn Tinh cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) đã không xem xét, chỉ đạo dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, tổ chức đấu thầu lại... mà vẫn chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm hợp đồng.

Các bị cáo còn chỉ đạo cấp dưới yêu cầu các cá nhân có liên quan thuộc Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO) và Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) tổ chức, thực hiện việc điều chỉnh dự toán chi phí. Hậu quả khiến dự án bị chậm tiến độ, phát sinh lãi vay, tăng chi phí đầu tư... làm thất thoát của Nhà nước 830 tỷ đồng.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày, từ ngày 12 đến 22/4/2021.

Ý kiến của bạn