Tin tức

Bất chấp kêu gọi từ Ukraine, phương Tây loại bỏ mọi khả năng can thiệp quân sự

(VOVTV) - Bất chấp sức ép từ dư luận cũng như các lời kêu gọi trợ giúp từ chính quyền Ukraine, nhiều chính phủ các nước châu Âu ngày 25/2 tiếp tục khẳng định sẽ không có bất cứ sự can thiệp quân sự nào của phương Tây vào cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine.

Tác giả Quang Dũng / VOV Paris
25/02/2022 17:53

Xuất hiện trên đài phát thanh Pháp, RTL trong sáng ngày 25/2, khi được hỏi về việc liệu các quốc gia trong khối quân sự NATO có đáp ứng lời kêu gọi của Tổng thống Ukraina, Zelenskyi về việc trợ giúp quân sự và gửi quân đội đến Ukraina hay không, Bộ trưởng Quân đội Pháp, bà Florence Parly khẳng định, các lãnh đạo NATO đã nhiều lần nói rõ quan điểm rằng Ukraina không phải là một thành viên của NATO và do đó NATO không có nghĩa vụ bảo vệ quốc gia này về mặt quân sự, ngoài tất cả những trợ giúp kinh tế, nhân đạo và viện trợ vũ khí.

Bộ trưởng Quân đội Pháp cũng nhận định, cuộc chiến hiện nay tại Ukraina khác xa với tình huống tại Kosovo, Lybia hay Afghanistan trong quá khứ, nơi NATO gửi quân tham chiến, và các nước phương Tây không thể mạo hiểm bước vào một cuộc chiến với Nga.

“Nga là một cường quốc hạt nhân. NATO cũng là một liên minh quân sự có vũ khí hạt nhân. Liệu có ai muốn điều đó xảy ra? Nước Pháp không tuyên chiến với nước Nga và tôi nghĩ rằng không có bất cứ quốc gia châu Âu nào, hay kể cả Mỹ, muốn bước vào một cuộc chiến tranh với Nga”.

Bất chấp kêu gọi từ Ukraine, phương Tây loại bỏ mọi khả năng can thiệp quân sự  - Ảnh 2.

NATO gửi thêm quân đến Đông Âu nhưng loại bỏ khả năng can thiệp quân sự vào Ukraina. Ảnh: Le Monde

Chung quan điểm với Bộ trưởng Quân đội Pháp, rất nhiều chính trị gia phương Tây trong vài ngày qua liên tiếp bác bỏ khả năng can thiệp quân sự để trợ giúp Ukraina.

Trong bài phát biểu tối ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ chỉ gửi thêm 7 ngàn quân đến Đức để trợ giúp an ninh cho các nước đồng minh NATO ở sườn Đông châu Âu chứ không có bất cứ kế hoạch nào gửi quân đến Ukraina.

Thảo luận về tình hình Ukraina cùng các nghị sĩ Anh trong chiều 24/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng kêu gọi một số nghị sĩ Anh nên có “cái nhìn thực tế” về khả năng quân đội Anh can thiệp quân sự vào Ukraina.

Trước đó, một số nghị sĩ Anh đã lên tiếng đề nghị Anh và các nước NATO áp đặt vùng cấm bay trên không phận Ukraina. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đáp trả rằng một biện pháp như thế đồng nghĩa với việc NATO có thể phải bắn hạ máy bay Nga và tuyên chiến với Nga, và điều đó là hoàn toàn không khả thi.

Các tuyên bố không can thiệp quân sự của lãnh đạo phương Tây đưa ra vào thời điểm Tổng thống Ukraina, ông Zelenskyi trong những giờ qua liên tiếp có các lời kêu gọi trợ giúp quân sự từ phương Tây. Tổng thống Ukraina cũng chỉ trích các nước phương Tây đã bỏ rơi Ukraina và chỉ đứng nhìn từ xa trong khi Ukraina đang phải chiến đấu một mình.

Theo kế hoạch, lãnh đạo 30 quốc gia thành viên NATO sẽ có cuộc họp Thượng đỉnh trực tuyến trong ngày hôm nay để thảo luận tình hình Ukraina.

Trước đó, trong ngày 24/2, NATO đã quyết định kích hoạt điều 4 trong Hiệp ước NATO về việc tham vấn an ninh tập thể theo đề nghị của Ba Lan, Bulgaria và các quốc gia Baltic, sau khi các nước này lo ngại về tình hình bất ổn có thể bùng phát từ cuộc chiến tại Ukraina.

Báo chí phương Tây cho hay, mặc dù loại bỏ hoàn toàn khả năng can thiệp quân sự vào Ukraina nhưng các nước phương Tây đang lên phương án trợ giúp vũ khí cho Ukraina tùy thuộc vào diễn biến trên chiến trường và khả năng chống trả lâu dài của lực lượng quân đội Ukraina.

Tuy nhiên, phát biểu sáng ngày 25/2, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian lần đầu tiên thừa nhận, Pháp cùng một số nước châu Âu đã lên phương án bảo vệ an toàn cho Tổng thống Ukraina, Zelenskyi khi chiến sự tại thủ đô Kiev bước vào giai đoạn khốc liệt.

Ý kiến của bạn