Tin tức

Bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo hành

(VOVTV) - Những vụ việc trẻ bị bạo hành trong thời gian qua khiến dư luận phẫn nộ. Những vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mọi người phải thay đổi suy nghĩ về cách quan tâm, chăm sóc, đặc biệt là dạy trẻ tự vệ trước bạo hành.

Tác giả Vũ Hường / VOV TPHCM
14/01/2022 10:49

Thống kê của Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 cho biết, mỗi năm đơn vị này tiếp nhận trung bình 30.000 cuộc gọi thông báo về tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Riêng trong năm 2021 khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, trẻ em ở nhà với người thân thì số cuộc gọi tăng tới khoảng 50.000 cuộc. Trong đó, 50% số cuộc gọi đến đường dây nóng là trẻ em từ 11-18 tuổi.

Trẻ bị bạo hành đang là vấn nạn khiến nhiều người bức xúc, phẫn nộ đặc biệt là những trường hợp trẻ bị chính người thân quen, hoặc bị chính cha mẹ bạo hành. Chị Trần Hường (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, hiện nay, công tác tuyên truyền về bạo hành, xâm hại trẻ em còn rất ít chính vì vậy chưa nâng cao được ý thức của người dân nhằm can thiệp, tố giác các hành vi trên. Trong khi đó, nhiều bé bị bạo hành trong độ tuổi quá nhỏ, hầu như không có khả năng tự vệ, không có điện thoại di động,... để có thể liên hệ để được trợ giúp từ người khác. 

Bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo hành - Ảnh 2.

Trong thời gian giãn cách, nhiều lớp học hướng dẫn cách phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn được tổ chức online qua ứng dụng Zoom. Ảnh: NVCC

Chị Hường nói: “Những đứa trẻ phải biết được bảo vệ như thế nào, khi cần giúp đỡ thì liên hệ ai, gọi tới số điện thoại nào?… Tuy nhiên chưa chắc trẻ đã biết những thông tin này, trừ khi nhà trường, giáo viên tiếp xúc, tuyên truyền nếu con bị đánh, bị bạo hành, xâm hại thì nên gọi ai và những điều này nên đưa vào giáo dục hàng ngày cho các bé”.

Để trang bị cho các em kiến thức cũng như kỹ năng để ứng phó với những tình huống liên quan đến bạo hành, thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Quận 1) cho biết, nhà trường thường xuyên lồng ghép những nội dung về chống bạo lực, quyền trẻ em trong các buổi học. Trước đó, trường đã liên hệ Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tổ chức lớp dạy kỹ năng tự vệ hoặc tố giác khi chứng kiến các hành vi bạo hành.

Bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo hành - Ảnh 3.

Tập huấn kỹ năng phòng chống bạo hành, xâm hại cho học sinh mồ côi ở quận Tân Phú. Ảnh: NVCC

Trong thời gian học trực tuyến vừa qua, giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng tổ chức sinh hoạt đầu tuần để lắng nghe chia sẻ từ học sinh. Các em cũng được cung cấp số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, có nhóm kết nối zalo với thầy cô và học sinh nên khi gặp các vấn đề nhạy cảm như bạo hành, xâm hại,… đều có thể liên lạc để được giúp đỡ. Thầy Khoa cho rằng, học trực tuyến kéo dài cũng ảnh hưởng đến tâm sinh lý của học sinh, việc tạo các kênh trên mạng xã hội như vậy cũng là cách để các em giao lưu với bạn bè, thầy cô, có thể nói ra những khó khăn, tâm sự không thể nói trực tiếp. 

Thầy Khoa nói: “Nhà trường cũng luôn luôn có những kênh từ giáo viên chủ nhiệm để tìm hiểu học sinh, xem các em có tâm tư, nguyện vọng hay vấn đề gì mà các em cần trao đổi hoặc không thể nói chuyện được, thì thầy cô chủ nhiệm cũng luôn luôn gần gũi để lắng nghe các em. Đặc biệt có những em có những trạng thái thay đổi, giáo viên chủ nhiệm sẽ cùng các bạn tìm hiểu, giúp đỡ, hỗ trợ các em ngay nếu các em gặp khó khăn”.

Bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo hành - Ảnh 4.

Trẻ đi học trực tiếp, được nhà trường quan tâm cũng là cách để sớm phát hiện bạo lực nếu có xảy ra. Ảnh: Vũ Hường

Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục,... nhiều chuyên gia cho rằng, các giải pháp bảo vệ trẻ em cần thực tế hơn để phát huy hiệu quả. Theo ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Giáo dục sức khỏe và Phát triển cộng đồng Tương Lai, việc trẻ bị bạo hành không chỉ gây tổn thương thể chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần, khiến các em mặc cảm, mất niềm tin vào cuộc sống. 

Ông Hải cho rằng, gia đình phải chủ động dạy con trẻ cách thoát thân hoặc thông báo khẩn cấp tới người đáng tin cậy khi bị bạo hành: "Cha mẹ, người thân nên cùng với trẻ lập lên 1 mật mã, mật khẩu chỉ có đứa trẻ và người thân biết. Nếu con rơi vào tình huống nguy hiểm như bị xâm hại, bạo lực mà không chống đối được thì khi tìm cách liên lạc với người con tin tưởng chỉ cần nói mật mã, có thể là ngày sinh của bé là ba mẹ, người thân sẽ hiểu và tới cứu con. Khi dạy về cách thoát thân cho trẻ, nhiều nước trên thế giới cũng hướng dẫn cách này”.

Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các hội, nhóm bảo vệ trẻ em,…thì sự chủ động của cha mẹ, người thân trong việc tiếp thu, giáo dục trẻ em phòng vệ trước bạo hành, xâm hại sẽ là phương án tối ưu để đảm bảo trẻ được sống và phát triển trong môi trường an toàn.

Ý kiến của bạn