Tin tức

Bảo tồn giá trị lịch sử nội đô: Hãy biến phố cổ thành nơi mang lại lợi ích cho xã hội

(VOVTV) - Theo đồ án quy hoạch nội đô lịch sử TP. Hà Nội, khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm sẽ được bảo tồn để tạo lập hình ảnh kiến trúc đô thị cổ đặc trưng. Tuy nhiên với thực trạng về ý thức bảo tồn hiện nay, cần sự quyết liệt hơn nữa để biến quy hoạch trên giấy trở thành hiện thực.

Tác giả Vũ Đào
29/04/2021 08:02

Hội An là hình mẫu về công tác bảo tồn và khai thác hiệu quả những giá trị lịch sử của một đô thị cổ. Đây là điều đã được những trang bình chọn du lịch uy tín trên thế giới công nhận. Và hình mẫu này lại được nhắc đến nhiều hơn khi Hà Nội công bố quy hoạch nội đô lịch sử.

Nêu ví dụ về Hội An, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, thực chất tất cả vấn đề trong việc quy hoạch là bài toán lợi ích giữa cái chung, cái riêng. "Tôi ví dụ như Hội An, tại sao bà con vẫn giữ được vẻ đẹp, vì nó đem lại lợi ích. Thay vì xây nhà to, tất nhiên là không được phép, họ sẽ có những khu dự trữ nhiều tiền bạc hơn, họ đi ra bên ngoài tìm tiện nghi và vẫn giữ không gian ấy để đem lại lợi ích cho họ," ông Dương Trung Quốc lý giải.

Bảo tồn giá trị lịch sử nội đô: Hãy biến phố cổ thành nơi mang lại lợi ích cho xã hội - Ảnh 1.

Việc bảo tồn không phải đến khi có quy hoạch mới cần được nghiêm túc thực hiện

Theo đồ án quy hoạch nội đô lịch sử TP. Hà Nội công bố mới đây, khu phố cổ nằm trên địa phận quận Hoàn Kiếm sẽ được bảo tồn để tạo lập hình ảnh kiến trúc đô thị cổ đặc trưng.

Tuy nhiên, những hình ảnh xây dựng cao tầng vi phạm quy hoạch vẫn còn tồn tại ngang nhiên giữa phố cổ cho thấy thực trạng về ý thức bảo tồn những giá trị kiến trúc lịch sử tại đây trong nhiều năm qua của một bộ phận người dân và cán bộ quản lý đã vô hình chung tiếp tay phá vỡ nét đặc trưng của phố cổ.

Cũng theo ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc, phải trả lại cho Hà Nội nét đặc trưng vốn có, phải bảo tồn di sản kiến trúc, tránh việc ai muốn xây dựng thế nào cũng được.

Còn theo ông Ngô Sỹ Liêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Nhà nước đã có quy định, nếu có sai phạm phải xử lí triệt để và bên cạnh đó đề xuất ra những tiêu chuẩn riêng cho Hà Nội. Dự thảo Hà Nội đã có nhưng chưa thể phê duyệt vì còn gặp phải những ý kiến trái chiều. 

Bảo tồn giá trị lịch sử nội đô: Hãy biến phố cổ thành nơi mang lại lợi ích cho xã hội - Ảnh 2.

Với thực trạng về ý thức bảo tồn hiện nay, cần sự quyết liệt hơn nữa để biến quy hoạch trên giấy trở thành hiện thực

Ông Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: "Tư tưởng chỉ đạo đã có nhưng chúng ta vẫn lúng túng trong quá trình thực hiện và đây chính là bài toán về bảo tồn và phát triển. Trong quá trình phát triển thì có thể hi sinh cái nào và giữ gìn cái nào là một bài toán vô cùng khó, thậm chí là phải chịu trách nhiệm trước lịch sử."

Sẽ cần sự quyết liệt hơn nữa trong quá trình đưa những mục tiêu quy hoạch trên giấy trở thành hiện thực. Việc bảo tồn không phải đến khi có quy hoạch mới cần được nghiêm túc thực hiện. Việc bảo tồn cần được tuyên truyền ngấm vào nhận thức của người dân và các cấp chính quyền. Quy hoạch phân khu nội đô vừa công bố sẽ là cơ sở pháp lý để Hà Nội giải được bài toán phát triển với bảo tồn các di sản văn hóa Thủ đô.

Bảo tồn giá trị lịch sử nội đô: Hãy biến phố cổ thành nơi mang lại lợi ích cho xã hội - Ảnh 3.

Các đồ án quy hoạch nội đô Hà Nội

Về tổng thể, 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử tại Hà Nội có quy mô nghiên cứu hơn 2.700 ha gồm các đồ án: H1-1A, H1-1B, H1-1C; H1-2; H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2000 thuộc khu vực Nội đô lịch sử TP. Hà Nội và thuộc địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, với yêu cầu chính là kiểm soát dân số, giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672.000 dân. Các quy hoạch cơ bản tuân thủ định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành., bảo đảm sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; cải thiện về cơ bản điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Cụ thể: khu vực phố cổ, phố cũ, Hồ Gươm và phụ cận khu phố cổ (thuộc QHPK H1-1A) là khu vực đô thị cổ có giá trị về lịch sử và văn hóa. Các chức năng chủ yếu: Thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.

Khu vực Hồ Gươm và phụ cận (thuộc QHPK H1-1B) là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Các chức năng chủ yếu: Trung tâm văn hóa hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư, di tích lịch sử-văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng.

Khu phố cũ (thuộc QHPK H1-1C và một phần các QHPK H1-2, H1-3 và H1-4): Là khu đô thị cũ có nhiều công trình có giá trị lịch sử và văn hóa, kiến trúc. Các chức năng chủ yếu: Di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở, cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hóa, y tế và các chức năng công cộng khác.

Khu vực hạn chế phát triển (phần còn lại các QHPK H1-2, H1-3 và H1-4) là khu vực cải tạo và hạn chế phát triển xây dựng nhà ở cao tầng. Các chức năng chủ yếu: Nhà ở, cơ quan, di sản, di tích, du lịch, dịch vụ thương mại, tiện ích đô thị...

Cấu trúc không gian được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường vành đai, hướng tâm, tạo thành các ô phố với lõi trung tâm. Không gian đô thị được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng. Các công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị tạo một số điểm nhấn cao tầng trên các trục tuyến phù hợp Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc tại khu vực; tại các khu vực xây dựng công trình cao tầng xem xét ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích đô thị: cây xanh, đỗ xe...

Các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1//2000 được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý để xác định các dự án đầu tư xây dựng và triển khai tổ chức lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị khu vực phổ cổ, phố cũ và làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế.


Ý kiến của bạn