Tin tức

Bao phủ vaccine và thực hiện 5K để phòng, chống COVID-19 trước biến thể mới

(VOVTV) - Bộ Y tế cho biết, tính từ 16 giờ ngày 7/12 đến 16 giờ ngày 8/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.599 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 14.595 ca ghi nhận trong nước (tăng 760 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố; có 8.322 ca trong cộng đồng.

09/12/2021 08:14

Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (341 ca), Cần Thơ (222 ca), Bình Dương (190 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Thành phố Hồ Chí Minh (510 ca), Bến Tre (299 ca), Kiên Giang (193 ca).

Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 13.777 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.352.122 ca mắc, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.714 ca mắc).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.346.811 ca, trong đó có 1.033.576 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 24.737 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.036.393 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.506 ca.

Ngày 8/12 ghi nhận 230 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 204 ca/ngày.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.930 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca mắc.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bộ Y tế đã có Quyết định 5619/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng".

Hướng dẫn này áp dụng đối với trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng (bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống), cửa hàng tiện lợi/cửa hàng tiện ích sau đây gọi chung là khu dịch vụ. Theo hướng dẫn, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng...phải có kế hoạch, phương án phòng, chống dịch COVID-19 cụ thể.

Bao phủ vaccine và thực hiện 5K để phòng, chống COVID-19 trước biến thể mới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Khen thưởng cá nhân, tập thể xuất sắc trong phòng, chống COVID-19

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký các quyết định tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 79 tập thể và 101 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống COVID-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 14 cá nhân thuộc Bộ Công an; 1 cá nhân thuộc Bệnh viện Bưu điện, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; 79 tập thể và 86 cá nhân thuộc Bộ Quốc phòng

Ngày 8/12, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 327/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về vaccine, thuốc điều trị COVID-19.Trước diễn biến mới, phức tạp của dịch bệnh trong nước và trên thế giới, Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá kỹ lưỡng toàn diện, triển khai căn bản, khoa học, kịp thời, hiệu quả hơn nữa việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc điều trị.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát lại quy trình vận chuyển, bảo quản, tổ chức tiêm vaccine, đánh giá chính xác, khách quan, khoa học các sự cố xảy ra để truyền thông kịp thời, đúng bản chất; kiến nghị rút kinh nghiệm và xử lý nếu có sai phạm.

Bộ Y tế cũng đã khẳng định số lượng vaccine mua, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, đã cam kết trong năm 2021 đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, chưa phải xem xét tiếp việc xin, mua thêm. Các trường hợp tài trợ miễn phí hoặc cho, tặng vaccine vẫn tiếp tục được khuyến khích, ghi nhận, hoan nghênh.

Nguy cơ xâm nhập và lây lan biến thể Omicron vào nước ta là rất lớn

Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng quan ngại của SARS-CoV-2, gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại Nam Phi. Biến chủng này đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, được các chuyên gia nhận định "có nhiều đột biến hơn tất cả các biến thể trước đó". Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận biến chủng mới Omicron, tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: Tính đến ngày 5/12/2021, có 45 quốc gia tại tất cả 6 khu vực của WHO, báo cáo sự xuất hiện của biến thể này. "Chúng tôi cho rằng sẽ có nhiều quốc gia phát hiện biến thể này khi tăng cường giám sát và phân tích", Tiến sỹ Kidong Park cho biết; đồng thời nhấn mạnh một số thông tin đã biết của biến thể và những điều chưa biết đang được điều tra.

Theo đó, về khả năng lây truyền vẫn chưa rõ liệu Omicron có khả năng lây truyền lớn hơn Delta (biến thể chiếm ưu thế) hay không và sẽ mất thêm thời gian để biết về điều này.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh, vẫn chưa rõ liệu mắc bệnh với Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể khác, bao gồm cả Delta hay không. Một số báo cáo ban đầu chỉ ra rằng, biến thể này có thể gây ra bệnh nhẹ hơn, tuy nhiên, hiện tại còn quá sớm để nhận định bất cứ điều gì.

Tiến sỹ Kidong Park nhấn mạnh việc đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao ở tất cả các nhóm đủ điều kiện tiêm; kết hợp với biện pháp 5K - phương pháp hiệu quả nhất để phòng, chống dịch này. "Điều quan trọng là, tất cả các nhóm dễ bị tổn thương ở khắp mọi nơi, bao gồm cả nhân viên y tế và người cao tuổi, phải được tiêm đủ hai mũi", Tiến sỹ Kidong Park nhấn mạnh.

Trong ngày 7/12 có 861.193 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Đến nay, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 129.408.202 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 73.899.767 liều, tiêm mũi 2 là 55.508.435 liều.

Tăng cường giường ICU dành cho bệnh nhân nặng

Những tuần gần đây, số ca mắc mới gia tăng ở hầu khắp các địa phương miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội (hiện có khoảng gần 70 bệnh nhân của Hà Nội chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương). Nhu cầu chuyển bệnh nhân nặng lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương rất lớn. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là cơ sở điều trị COVID-19 tuyến cuối, chuyên tiếp nhận các bệnh nhân nặng, nguy kịch từ các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.

Tính đến ngày 8/12, cơ sở 2 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho hơn 500 bệnh nhân COVID-19, trong số này có hơn 100 bệnh nhân phải can thiệp oxy trở lên (đánh giá là mức độ nặng trở lên).

Hiện khoa Cấp cứu bệnh viện đang điều trị cho gần 80 ca F0 ở mức độ nặng, phải hỗ trợ từ thở oxy đến thở máy, lọc máu... Mỗi ngày, có thêm khoảng 10 bệnh nhân diễn biến nặng, phải hỗ trợ hô hấp với oxy liều cao (HFNC).

Theo các bác sĩ, phần lớn bệnh nhân diễn biến nặng tại khoa đều chưa hoặc mới tiêm một mũi vaccine COVID-19. Những tuần gần đây, khi số mắc tại miền Bắc tăng cao, số bệnh nhân vào khoa Cấp cứu cũng tăng lên.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế thành lập trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 với quy mô 500 giường, Bệnh viện đang lắp đặt thêm các đầu cung cấp oxy, bổ sung trang thiết bị cho toàn bộ giường bệnh tại tất cả các khoa, phòng. Việc lắp đặt được tiến hành theo từng nửa khoa phòng, hình thức cuốn chiếu. Đến nay, đã hoàn thành trên 50% tiến độ chuyển đổi công năng.

Ngoài Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, khu vực miền Bắc còn có các bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 lập 1.000 giường ICU; Việt Đức cơ sở 2, Trường Đại học Y Hà Nội cơ sở 2, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103 mỗi nơi 500 giường; Phổi Trung ương 200 giường. Việc các bệnh viện chuyển đổi công năng thành trung tâm ICU nằm trong đề án thành lập 12 trung tâm ICU COVID-19 ở ba miền Bắc, Trung, Nam…

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn