Tin tức

Bão In-Fa chính thức đổ bộ lần hai vào Trung Quốc

(VOVTV) - Vào khoảng 9h50 sáng 26/7 giờ địa phương, bão In-Fa một lần nữa đổ bộ vào miền Đông Trung Quốc. Đây là cơn bão có đường đi phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng và đã gián tiếp gây ra đợt mưa lũ lớn lịch sử ở tỉnh Hà Nam, miền Trung nước này khi còn cách xa cả nghìn km.

Tác giả PV / VOV Bắc Kinh
26/07/2021 11:05

Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc vừa ra thông báo về việc bão In-Fa lần thứ hai đổ bộ vào thành phố Bình Hồ, tỉnh Chiết Giang vào khoảng 9h50 sáng 26/7 giờ địa phương với gió giật cấp 10. Trước đó, trận bão cũng đổ bộ vào tỉnh Chiết Giang vào trưa 25/7. Cơ quan môi trường biển của Trung Quốc đã phải phát đi báo động đỏ đối với nước biển dâng cao và sóng lớn do bão.

Việc một cơn bão đổ bộ tới hai lần vào tỉnh Chiết Giang là điều hiếm gặp. Sáng 26/7, Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc đã phải tiếp tục phát đi cảnh báo bão màu cam, mức nghiêm trọng thứ 2 chỉ sau báo động đỏ trong hệ thống cảnh báo 4 cấp của nước này.

Bão In-Fa tấn công tỉnh Chiết Giang. Ảnh VisionChina.jpg

Bão In-Fa tấn công tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Vision China

Với hướng đi về phía Tây, In-Fa đã quét qua các tỉnh thành như Chiết Giang, Giang Tô, Thượng Hải, An Huy của Trung Quốc. Chiết Giang được dự báo là sẽ có mưa rất to, với lượng mưa lên đến 250-350mm trong ngày 26/7.

Rút bài học từ thảm họa lũ lụt ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, các chuyến bay tại các địa phương cơn bão đi qua đã bị hủy, các chuyến tàu phải tạm dừng hoạt động, người dân được sơ tán trên diện rộng.

Trong lần đổ bộ thứ nhất, tỉnh Chiết Giang đã nâng phản ứng khẩn cấp với bão In-Fa lên cấp cao nhất, trong khi tại Thượng Hải có hơn 1.000 cây bị đổ. Hơn 2.000 đội cứu hộ tại thành phố luôn trong tình trạng sẵn sàng triển khai khi cần thiết. Khoảng 360.000 người ở Thượng Hải đã được sơ tán. Tỉnh Giang Tô cũng phải di dời gần 100.000 người.

Trong khi đó, tính đến ngày 25/7, số người chết do mưa lũ ở tỉnh Hà Nam đã tăng lên 63 người, gần 11,45 triệu dân ở 139 huyện bị ảnh hưởng. Tổng cộng 876.600 ha hoa màu bị hư hai và hơn 8.800 căn nhà bị sập.

Không chỉ Trịnh Châu, các thành phố như Tân Hương và Hạc Bích ở tỉnh này cũng phải tiến hành các cuộc sơ tán khẩn cấp khỏi các khu vực trũng thấp do vỡ đê khiến ngập úng kéo dài. Theo thông báo của truyền thông địa phương, một đoạn đê bị vỡ trên địa phận thành phố Hạc Bích đã được khắc phục xong sau hơn 70 giờ vào sáng 26/7.

Ý kiến của bạn