Báo động đỏ tình trạng quá tải ở bãi thải gyps DAP số 2 tỉnh Lào Cai
(VOVTV) - Bãi thải gyps của Công ty Cổ phần DAP số 2 tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đang rơi vào trạng thái báo động đỏ, khi sức chứa chỉ còn được tính bằng ngày.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) đã được phê duyệt của doanh nghiệp, khu vực tập kết chất thải sau quá trình sản xuất phân bón DAP hiện tại có diện tích 10,5ha, sức chứa 4,1 triệu tấn, chiều cao cho phép tối đa 45m.
Đây là bãi thải được cấp phép tạm thời với sức chứa 5 năm, để doanh nghiệp đủ điều kiện chuyển sang sử dụng bãi lâu dài diện tích 28ha (hiện đã hoàn tất giải phóng mặt bằng).
Tuy nhiên, dù vẫn trong phạm vi của DTM (mới phát thải được khoảng 3 năm, chiều cao trung bình các khu vực đổ thải trong khoảng 30-40m), nhưng chiểu theo các quy định của trung ương và địa phương ban hành mới đây, bãi thải này đã chạm ngưỡng giới hạn, theo tính toán không thể lưu chứa thêm quá 60 ngày.
Cụ thể, theo Quyết định 452/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng thì hết năm 2020 diện tích bãi thải không được vượt quá 2 năm sản xuất trung bình; đồng thời, tăng cường xử lý, tiêu thụ các chất thải này nhằm bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tháng 6/2020, UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Tằng Loỏng, trong đó giới hạn chiều cao tối đa đối với bãi thải chỉ được 30m.
Một phần diện tích không nhỏ của bãi thải vẫn còn dư địa thì lại vướng 2 đường lưới điện 220kV và 110kV chạy bên trên, nên chiều cao đổ thải cũng bị khống chế ngặt nghèo để đảm bảo an toàn. Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP số 2, nếu như giải quyết được 2 đường điện này; đồng thời, được tỉnh chấp nhận chiều cao tối đa bãi thải ở mức 45m theo DTM thì doanh nghiệp có thể “cầm cự” được thêm khoảng 1 năm nữa để tính toán phương án tiếp theo.
Do đầu phát thải bị giới hạn, nên hoạt động sản xuất của nhà máy cũng đình trệ theo. Doanh nghiệp đã phải điều tiết giảm công suất trong hai tháng 6 và 7 năm 2021 từ 22.000 tấn xuống chỉ còn 15.000 tấn/tháng.
Thời gian qua, doanh nghiệp cũng đã nỗ lực tìm kiếm đối tác để xử lý chất thải gyps này làm nguyên liệu phục vụ xây dựng, nhưng mới chỉ có hướng duy nhất là sản xuất thành thạch cao nhân tạo; còn làm phụ gia cho các nhà máy xi măng thì lại không khả thi, vì giá thành sản xuất cộng với chi phí vận chuyển tới nơi tiêu thụ quá cao, không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu. Còn lại các sản phẩm khác đều vướng vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa được cấp Bộ, ngành có thẩm quyền hoàn thiện.
Theo ông Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, dây chuyền sản xuất phân bón DAP số 2 của doanh nghiệp đã đi vào vận hành từ 2015, sau đó một số quy định của nhà nước mới được ban hành, dẫn đến vướng mắc phát sinh. Sau khi nắm bắt tình hình, Sở cũng đã có ý kiến tham mưu cho UBND tỉnh để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nhưng nếu được cũng chỉ một phần vì có những nội dung vượt ngoài thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh như cấp phép đầu tư bãi thải lâu dài; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn xử lý gyps…
Ông Khải cho hay, trong khi chờ ý kiến của trung ương liên quan đến việc cấp phép đầu tư bãi thải lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai đề nghị doanh nghiệp chủ động san gạt, hạ cos đỉnh, gia cố những vị trí xung yếu quanh khu vực đổ thải hiện tại để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, tránh sự cố vỡ bờ tương tự đã từng xảy ra hồi tháng 9/2018.
Tin nổi bật
Tin Video