Bảo đảm quyền lợi xét tuyển đại học cho thí sinh
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 được tổ chức thành 2 đợt. Để bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường đại học chỉ xét tuyển sau khi các em thi xong cả 2 đợt. Thực hiện sự chỉ đạo này, các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị phương án cho đợt xét tuyển…
Năm 2021, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh có 3.500 chỉ tiêu, trong đó 40% chỉ tiêu dành cho xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông (tức 1.400 chỉ tiêu), 5% chỉ tiêu xét tuyển từ bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (tức 175 chỉ tiêu), 5% chỉ tiêu xét tuyển thẳng (tức 175 chỉ tiêu), 50% chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (tức 1.750 chỉ tiêu).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường nhất trí với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tuyển sau kỳ thi đợt 2 tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, vì đây là cách xét tuyển hợp lý, công bằng nhất trong lúc này.
Trong khi đó, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) có 6 phương thức tuyển sinh với tổng chỉ tiêu là 3.530. Trong đó 2 phương thức tuyển sinh nhiều chỉ tiêu nhất là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tiến hành (30- 60% tổng chỉ tiêu) và dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 (từ 15 đến 55% chỉ tiêu).
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, nhà trường đã sẵn sàng các phương án tuyển sinh ngay sau khi các thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2.
Tuy nhiên, nếu thời gian tổ chức thi tốt nghiệp đợt 2 muộn hơn lịch điều chỉnh thời gian nhập học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố trước đó, nhà trường cần hướng dẫn mới của Bộ để thực hiện.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh cho biết, về việc xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 trong một lần sau hai đợt thi là hợp lý.
Đặc biệt là năm nay số thí sinh phải dự thi đợt 2 nhiều hơn so với năm 2020. “Thực tế tuyển sinh năm 2020 cho thấy, dù việc xét tuyển diễn ra sau đợt thi thứ 2 nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch đào tạo của các trường.
Các trường sẽ có cách để giải quyết bài toán triển khai chương trình học linh hoạt cho sinh viên các khóa học, ngành học, với những mốc thời gian khác nhau.
Thậm chí có thể tận dụng quỹ thời gian của dịp nghỉ hè để hoàn thành khối lượng học. Điều quan trọng nhất, việc xét tuyển chung đợt cho thí sinh thi 2 đợt còn giúp thí sinh dự thi an tâm hơn về cơ hội xét tuyển của mình”, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng nói.
Thí sinh Trần Lệ Thu (ở quận 8, thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những học sinh lớp 12 của thành phố Hồ Chí Minh không thể dự thi đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, do nhà nằm trong vùng cách ly y tế. "Em dự tuyển vào ngành Sư phạm mầm non của Trường Đại học Sài Gòn. Với quy định mới này, em và các bạn cùng hoàn cảnh yên tâm hơn, quyết tâm đạt kết quả tốt cho kỳ thi đợt 2 tốt nghiệp trung học phổ thông sắp diễn ra", em Trần Lệ Thu chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, với kế hoạch tuyển sinh đại học sau khi các em học sinh hoàn thành cả 2 đợt thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, quỹ thời gian vẫn còn để các trường đại học chuẩn bị kế hoạch tuyển sinh và các em học sinh có thêm thời gian ôn tập kỹ để có kết quả thi tốt.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu thời điểm thi đợt 2 tiếp tục phải lùi do những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn cụ thể để cùng các trường đại học xây dựng được kế hoạch tuyển sinh phù hợp, bảo đảm khối lượng chương trình và thời gian triển khai năm học 2021-2022.
Tin nổi bật
Tin Video