Bánh dày không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào Mông
(VOVTV) - Đối với đồng bào Mông, chiếc bánh dày có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong những ngày Tết. Bánh dày không chỉ để thờ cúng tổ tiên, mà còn thể hiện mong ước của bà con vào một năm mới no ấm, bình an và hạnh phúc.
Để chuẩn bị làm bánh dày, từ những ngày trước Tết, bà con đã lên rừng lựa chọn, hái lá dong rừng để mang về gói bánh dày. Nếu không có lá dong thì ít nhất cũng phải thay thế bằng lá chuối rừng. Mùi hương từ thiên nhiên của lá dong rừng, lá chuối rừng càng làm cho mùi vị của bánh dày thơm và hấp dẫn hơn.
Để có bánh dày dẻo, thơm ngon, đồng bào Mông lựa loại thóc nếp nương vùng cao mang xát, ngâm nước từ 5 đến 6 giờ đồng hồ mới cho vào chõ xôi. Việc giã bánh dày là công việc nặng nhọc và đòi hỏi nhiều sức lực của người giã, bởi giã càng kỹ, bánh càng dẻo, trắng mịn và càng dính quyện vào nhau.
Vì vậy, những người tham gia giã bánh thường là những người đàn ông, thanh niên khỏe mạnh để giã được bánh dẻo, ngon. Để không dính tay và tăng độ thơm ngon của bánh, đồng bào Mông sử dụng lòng đỏ trứng gà luộc chín để xoa một ít vào lòng bàn tay và bề mặt của cái mẹt.
Sau khi giã, là những cuộn bánh mịn, trắng ngần, đang nóng hổi sẽ được chị em phụ nữ khéo léo nhanh tay tách ra, nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, tròn trịa như mặt trăng, mặt trời để gói vào lá dong.
Ngay sau khi giã xong mẻ bánh đầu tiên, gia chủ trực tiếp nặn 1 chiếc bánh to hơn và đẹp nhất dành riêng để cúng đêm 30 tết. Đồng bào Mông có nhiều nhóm, nhiều dòng họ, nên tùy thuộc vào dòng họ, nhóm Mông, sẽ có người cúng bánh dày vào đêm 30 tết, có người cúng vào ngày mồng 1 và mồng 3 hoặc ngày mồng 5 tết.
Cúng bánh dày đêm 30 tết hay những ngày sau tết đều có cùng một quan niệm: Năm cũ đã hết, tết đến xuân về, gia chủ có lòng thành dâng chiếc bánh dày mời ông bà, tổ tiên, thổ công, thổ địa; cầu mong sang năm mới tiếp tục phù hộ cho gia đình, con cháu luôn mạnh khoẻ, mùa màng tươi tốt.
Sau bữa cơm tất niên của gia đình, gia chủ sẽ cắt những mảnh giấy bản truyền thống thành hình chữ nhật do đồng bào mình làm ra và thu tất cả dao quắm, cuốc, xẻng đặt lên phía trên gian giữa nhà bên cạnh bàn thờ xử ca để dán giấy.
Đồng bào Mông cho rằng, đồ vật cũng có linh hồn, nên ngày Tết con người được nghỉ ngơi, vui hội thì các đồ vật, công cụ lao động sản xuất cũng phải được nghỉ ngơi. Chủ nhà sẽ nướng bánh dày mềm dẻo để dán giấy lên từng dụng cụ lao động tỏ lòng biết ơn bởi các dụng cụ lao động đã một năm đồng hành cùng gia đình, con cháu làm ra của cải, có cơm ăn, áo mặc.
Lấy miếng bánh dày dán giấy lên các dụng cụ, cũng có ý nghĩa để các dụng cụ được thay áo mới cùng gia chủ nghỉ ngơi ăn tết. Sau 3 ngày tết, gia chủ bắt tay vào làm nương rẫy, vào một mùa vụ mới sẽ giúp gia chủ sử dụng an toàn, tránh bị thương.
Đồng thời, bà con cũng cắt miếng bánh giày để dán giấy mới thay giấy cũ lên thanh sà ngang của cửa chính, cửa phụ, lần lượt từ cột nhà bếp chính, đồ gia dụng trong nhà và dán lên chuồng gia súc, gia cầm, với mong muốn xua đi những xui xẻo năm cũ, sang năm mới gia đình gặp nhiều may mắn, đàn vật nuôi thêm phát triển, mùa màng bội thu.
Với đồng bào Mông, chiếc bánh dày được tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, môi trường sống và cả tâm hồn của đồng bào. Bánh dày có ý nghĩa đặc biệt như vậy nên mỗi dịp tết đến, xuân về, trong cộng đồng người Mông, nhà ai cũng phải có bánh dày. Và đó cũng là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào được gìn giữ, lưu truyền qua các thế hệ.
Tin nổi bật
Tin Video