Bạn sẽ càng cảm thấy yêu cà phê nếu biết những điều này
(VOVTV) - Cà phê là thức uống được nhiều người yêu thích. Nhưng cũng có nhiều người chắc hẳn chưa biết những điều thú vị liên quan đến thức uống rất phổ biến này.
Bạn có biết cafein là một hoạt chất đáng ngưỡng mộ
Cafein trong cà phê ngăn cản phân huỷ cAMP (cAMP là một chất truyền tin thứ hai, được sử dụng để truyền tín hiệu nội bào) do ức chế cạnh tranh với phosphodiesterase.
Nồng độ cAMP tăng sẽ thúc đẩy các phản ứng và tăng tính nhậy cảm của tế bào gây ra những tác động sinh lý.
Trên hệ tuần hoàn, cafein kích thích làm tim đập nhanh, mạnh, tăng lưu lượng tim và lưu lượng mạch vành. Đối với hệ hô hấp, sẽ làm kích thích trung tâm hô hấp, làm giãn phế quản và giãn mạch phổi.
Trên cơ trơn, cafein sẽ có tác dụng giãn cơ trơn mạch máu. mạch vành, cơ trơn phế quản và cơ trơn tiêu hoá. Đặc biệt, tác dụng giãn cơ trơn càng rõ khi cơ trơn ở trạng thái co thắt.
Cafein cạnh tranh với adenosine trong việc liên kết với receptor đặc hiệu. Adenosine được tạo ra trong quá trình hoạt động của cơ thể. Khi nồng độ đủ cao, nó sẽ gắn với receptor làm cho hệ thần kinh phát ra tín hiệu nghỉ ngơi dẫn đến sự mệt mỏi và buồn ngủ.
Cà phê liên kết với các thụ thể của adenosine khiến cho adenosin mất tác dụng phát tín hiệu và não bộ của chúng ta bị đánh lừa - điều đó khiến chúng ta tỉnh táo.
Dùng nhiều cafein có gây nghiện?
Thực tế thì khi uống nhiều cà phê hay nói cách khác là hấp thụ lượng lớn cafein lâu ngày sẽ khiến cơ thể chúng ta quen với trạng thái nồng độ cao cAMP và tích tụ Adenosine. Khi thiếu cafein cơ thể chúng ta sẽ bị trì trệ và kém nhạy cảm trong một khoảng thời gian ngắn. Bởi cAMP và Adenosine được cơ thể điều chỉnh rất nhanh.
Nhưng bạn đừng quá lo lắng, cơ chế tác dụng của cafein khác hoàn toàn chất gây nghiện. Cafein không ảnh hưởng trực tiếp đến các receptor dẫn truyền thần kinh, cũng như việc cạnh tranh với receptor adenosine cũng rất lỏng lẻo.
Quá trình đào thải cafein cũng rất nhanh và không hề gây quá tải với cơ thể. Thời gian để bán thải khoảng 3-7 giờ.
Cafein được chuyển hoá ở gan bằng phản ứng demethyl và oxy hoá , rồi trừ qua nước tiểu chủ yếu dạng đã chuyển hoá.
Nếu bạn mới uống cà phê mà có dấu hiệu của tim mạch, thần kinh, hô hấp ... thì cũng đừng quá lo lắng. Một cốc nước đường hoặc sữa sẽ giúp làm giảm nhanh chóng những dấu hiệu đó.
Hãy cứ "nghiện" một hoạt động, thức uống gì đó lành mạnh nếu có thể. Bởi nghiện là một dấu hiệu bạn có đam mê và cơ thể chúng ta đang hoạt động trên mức bình thường một chút!
BS Lương Hoài Linh
Tin nổi bật
Tin Video