Bán 'chui' cổ phiếu: Mức phạt như thế nào mới đủ sức răn đe?
(VOVTV) - Vụ bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Chủ tịch tập đoàn này đã gây ra dư luận bất bình trên thị trường chứng khoán suốt 2 ngày qua.
Chiều tối ngày 11/1, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) cuối cùng đã đưa ra quyết định hủy vụ bán “chui” cổ phiếu này.
Tuy nhiên sự việc này cũng đã làm thiệt hại rất nhiều cho các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ khi không những cổ phiếu FLC mà hàng loạt cổ phiếu dòng bất động sản đều giảm sàn trong những phiên gần đây.
PV Bảo Ngọc có cuộc trao đổi với ông Đỗ Anh Việt, giám đốc tư vấn đầu tư, công ty chứng khoán VPS về nội dung này.
PV: Thưa ông, với quan điểm của một nhà phân tích chứng khoán, ông có nhận định gì về sự việc FLC bán chui cổ phiếu trong những ngày vừa qua?
Ông Đỗ Anh Việt: Việc FLC bán chui cổ phiếu không phải là việc lần đầu, năm 2017 FLC đã từng bán chui số lượng rất lớn khoảng 57 triệu cổ phiếu, theo tính toán thời gian đó họ đã đút túi 400 tỷ đồng. Vậy nên việc bán chui lần này nằm trong tính toán của ban lãnh đạo chứ không có sự nhầm lẫn nào cả.
Lần này, Uỷ ban chứng khoán đã có những hành động về việc ngăn chặn giao dịch và hoàn lại cổ phiếu. Tuy nhiên, ảnh hưởng niềm tin đối với nhà đầu tư là rất lớn, cổ phiếu FLC giảm sàn và rất nhiều cổ phiếu bất động sản khác cũng bị ảnh hưởng.
Thời điểm này, cổ phiếu đầu cơ và cổ phiếu bất động sản thì sự việc này làm “xì hơi bong bóng” những cổ phiếu đầu cơ. Và khi dòng tiền từ cổ phiếu đầu cơ rút ra thì sẽ quay trở lại những cổ phiếu có nền tảng tốt, bền vững hơn.
PV: Trước khi có quyết định hủy này, nếu chiếu theo các quy định xử phạt tiền theo quy định hiện hành đối với hành vi giao dịch không công bố thông tin trước, ông Trịnh Văn Quyết chỉ bị phạt tối đa 1,5 tỉ đồng, hình thức xử phạt này liệu đã đủ sức răn đe và có sức nặng với những lợi nhuận mà phi vụ này mang lại chưa, thưa ông?
Ông Đỗ Anh Việt: Trước đến nay môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn còn khá sơ khai, những hình thức xử phạt chưa đi kịp với quy mô của thị trường, các nhà đầu tư lớn lợi dụng việc này để trục lợi, không coi trọng lợi ích của nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư cá nhân.
Qua lần này là hồi chuông cảnh tỉnh, để Bộ Tài chính, Uỷ ban chứng khoán nhìn nhận lại những hình thức xử phạt về vi phạm trên thị trường chứng khoán có còn phù hợp không. Việc tài khoản ông Trinh Văn Quyết bị phong tỏa và yêu cầu hoàn trả lại toàn bộ lượng tiền chênh lệch là một việc chưa từng có tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc này thể hiện sự quan tâm đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán của các Bộ, ban ngành đã có hành động kịp thời, đem lại niềm tin cho các nhà đầu tư.
PV: Xin ông phân tích thêm một vài yếu tố khiến thị trường bất động sản tăng nóng trong thời gian vừa qua?
Ông Đỗ Anh Việt: Thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua tăng nóng thực chất có rất nhiều yếu tố, yếu tố đầu tiên là bản chất của gói kích cầu trong những năm tới, gói kích cầu sẽ tập trung mạnh vào cơ sở, đầu tư hạ tầng.
Khu vực nào có cơ sở hạ tầng tốt thì bất động sản khu vực xung quanh đó sẽ tăng theo, đó là nguyên nhân cốt lõi của thị trường bất động sản và cổ phiếu bất động sản tăng trưởng. Còn sau đó khi việc đấu giá đất Thủ Thiêm là yếu tố tâm lý, làm cho nhà đầu tư cá nhân bị hiệu ứng mua đuổi làm cho giá bất động sản và cổ phiếu bất động sản đẩy lên rất cao.
Và đến bây giờ 2 sự việc của Tân Hoàng Minh và FLC sẽ làm “xì hơi” bớt bong bóng bất động sản. Tuy nhiên thị trường bất động sản trong những năm tới vẫn tăng trưởng tích cực theo đầu tư công và theo sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Vâng xin trân trọng cảm ơn ông!
Tin nổi bật
Tin Video