Tin tức

Bài toán khó với ông Biden khi Taliban trỗi dậy mạnh mẽ tại Afghanistan

Tổng thống Biden tiếp tục bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan nhưng áp lực đang bủa vây tứ phía nhà lãnh đạo Mỹ khi Taliban đang trỗi dậy mạnh mẽ.

13/08/2021 09:52

Khi Tổng thống Biden công bố kế hoạch rút hoàn toàn quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, tình hình chính trị có vẻ khá đơn giản.

Nhiều cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ ủng hộ việc Washington rút khỏi cuộc chiến mà họ sa lầy gần 20 năm khi các mục tiêu cũng trở nên mờ mịt.

Nhưng 4 tháng sau, khi các đợt tấn công của Taliban trên khắp Afghanistan nhanh hơn, tàn nhẫn hơn so với dự kiến. Các rủi ro chính trị mới đang xuất hiện với ông Biden - người từng hy vọng sẽ giành được thêm tín nhiệm với quyết định chấm dứt “cuộc chiến không hồi kết” của Mỹ.

Các quan chức Mỹ đang phải chạy đua thời gian để sơ tán những người Afghanistan đã hỗ trợ quân đội Mỹ và có thể là mục tiêu của các cuộc trả đũa từ Taliban. Washington mới đây cũng thông báo tăng viện 3.000 quân đến sân bay Kabul giúp sớ tán một phần đại sứ quán và công dân khỏi thủ đô Afghanistan.

Bài toán khó với ông Biden khi Taliban trỗi dậy mạnh mẽ tại Afghanistan - Ảnh 1.

Lực lượng an ninh Afghanistan canh gác tại một trạm kiểm soát ở quận Guzara, tỉnh Herat, Afghanistan. Ảnh: Reuters

Mối đe dọa tới từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của Taliban sau khi Mỹ rời đi cùng những rủi ro mới đối với nhân viên và đồng minh của Mỹ tại Afghanistan có thể sẽ khiến những người Mỹ vốn ít chú ý tới Afghanistan trong nhiều năm qua phải xét lại quan điểm của họ. Đặc biệt khi đảng Cộng hòa khuếch đại thông điệp về sự thất bại của Mỹ.

Ông Brian Katulis, chuyên gia chính sách đối ngoại tại Trung tâm Tự do vì Tiến bộ Mỹ cho rằng người Mỹ đang tập trung vào các vấn đề đối nội như COVID-19, kinh tế mà không mấy quan tâm tới việc Taliban chiếm được các thành phố xa lạ như Kunduz.

"Nhưng điều này có thể thay đổi. Nếu một loạt các diễn biến khủng khiếp tiếp tục xảy ra ở Afghanistan, nó có thể khiến công chúng liên tưởng tới những gì đã diễn ra ở Iraq vào những năm 2013, 2014 khi IS tràn vào nước này thời điểm quân đội Mỹ rút đi", ông Katulis phân tích.

Phát biểu với các phóng viên Nhà Trắng hôm 10/8, Biden nói ông không hối hận về quyết định của mình. Nhà lãnh đạo Mỹ vẫn khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ và lực lượng an ninh của Afghanistan nhưng nói thêm rằng "họ phải chiến đấu cho chính mình".

Các quan chức trong chính quyền Biden nhiều lần bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan có thể tạo ra một giải pháp hòa bình. Nhưng triển vọng cho các cuộc đàm phán đang ngày càng mờ nhạt.

Dù vậy, nhiều thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội trong lần hiếm hoi chia sẻ đồng quan điểm với các đồng nghiệp phe Dân chủ bày tỏ ủng hộ quyết định của Biden. Họ muốn Mỹ dừng các cuộc phiêu lưu quân sự ở nước ngoài và ủng hộ việc rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan.

Đa số người dân Mỹ cũng có quan điểm tương tự.

Nhưng khi chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn ở Kabul đang gặp rất nhiều khó khăn trước một Taliban mở rộng bành trướng, một số thành viên đảng Cộng hòa đang gia tăng chỉ trích với Biden.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện nhắc tới các cảnh báo trước đó rằng Taliban có thể nhanh chóng áp đảo lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan.

Bài toán khó với ông Biden khi Taliban trỗi dậy mạnh mẽ tại Afghanistan - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

“Từ sự lựa chọn kỳ lạ của họ về thời hạn mang tính biểu tượng vào ngày 11/9 cho đến việc không có bất kỳ kế hoạch cụ thể nào, quyết định của chính quyền dường như chỉ dựa trên sự mơ tưởng", ông McConnell khẳng định.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cũng chỉ trích người kế nhiệm vì rút quân khỏi Afghanistan mà không đưa ra bất cứ điều kiện nào.

"Nếu bây giờ tôi là tổng thống, thế giới sẽ thấy việc chúng ta rút khỏi Afghanistan là một cuộc rút quân có điều kiện", ông Trump nói.

Khi Trump còn cầm quyền, Mỹ làm trung gian cho thỏa thuận với Taliban, theo đó Mỹ và NATO sẽ rút toàn bộ quân vào tháng 5/2021 để đổi lấy các đảm bảo an ninh từ nhóm phiến quân.

Richard Fontaine - giám đốc điều hành của Trung tâm An ninh Mỹ cho rằng ở thời điểm hiện tại, ông Biden đang phải đối mặt với nhiều rủi ro chính trị.

Theo chuyên gia này, khả năng Taliban tiếp quản quyền lực ở Afghanistan, kế đó là sự trở lại của đồng minh lâu năm của nhóm phiến quân này này – tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda sẽ đặt ra trách nhiệm rất lớn đối với Biden.

Ý kiến của bạn