Tin tức

Bài thơ 'Mẹ tôi chửi kẻ trộm' xuất hiện trong cuộc thi hùng biện Tiếng Việt toàn Nhật Bản

Vừa qua dưới sự chủ trì của trường Đại học ngoại ngữ Kanda, hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Đài Tiếng nói Viện Nam, cuộc thi hùng biện Tiếng Việt toàn Nhật Bản lần thứ 15 theo hình thức trực tuyến đã tổ chức thành công với hai chủ để chính là làm thế nào để mối quan hệ kinh tế, tình hữu nghị giữa Việt Nam-Nhật Bản luôn bền vững và phát triển...

Tác giả Bùi Hùng - Hoàng Nguyễn / VOV Tokyo
19/11/2021 16:56

Với tư cách là sinh viên học liên quan đến Việt Nam cần làm gì để tiếng Việt thực sự trở thành lợi thế nghề nghiệp của mình?

Có 18 thí sinh thuộc các trường Đại học như Osaka, Nữ Showa, Kokushikan, trường Đại học Ngoại ngữ Kanda…lọt vào vòng chung kết. Tuy số thí sinh dự thi năm nay giảm so với những lần thi trước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng sự thể hiện của các em thí sinh trong phần thi của mình vô cùng xuất sắc. Bám sát chủ đề của cuộc thi, các thí sinh thể hiện khá thành công những vấn đề cần tăng cường trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản như;  Tương lai của quan hệ Việt Nam và Nhật Bản với sức mạnh viễn thông; Tình yêu ô tô dẫn tôi đến với Việt Nam; Làm thế nào để tiếng Việt thực sự trở thành lợi thế của mình…

Bài thơ 'Mẹ tôi chửi kẻ trộm' xuất hiện trong cuộc thi hùng biện Tiếng Việt toàn Nhật Bản - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi được ghi hình và phát trực tuyến

Các phần thi rất cụ thể, phân trình độ cho các em học sinh mới học tiếng Việt, học năm 2, năm 3, thí sinh năm cuối đã du học tại Việt Nam và chưa du học tại Việt Nam…Chính vì vậy, việc đánh giá rất chính xác. Em Shimizu Hikaru, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Kokushikan đã đạt giải xuất sắc trong cuộc thi đã dùng lời bài hát và những câu ngạn ngữ Việt Nam để thể hiện bài thi của mình về việc học tiếng Việt.  Em tâm sự rằng "Cuộc đời chủa mỗi một con người chúng ta ngắn ngủi như "bóng câu qua cửa sổ". Vì vậy, tôi cho rằng mình không có nhiều thời gian và không cho phép bản thân mình lười học, nhất là tiếng Việt."

Bài thơ 'Mẹ tôi chửi kẻ trộm' xuất hiện trong cuộc thi hùng biện Tiếng Việt toàn Nhật Bản - Ảnh 2.

Thí sinh trong phòng chờ

Đặc biệt, ngoài những bài trình bày theo chủ đề, cuộc thi năm nay có 8 thí sinh tham gia phần thi đọc diễn cảm với hai tác phẩm "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" của tác giả Tòng Văn Hân và "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến" của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Tại phần thi này, đa phần các em là sinh viên năm thứ nhất mặc dù chọn những tác phẩm thơ khó cả về ngôn từ lẫn cảm xúc, nhưng đã thể hiện vô cùng tinh tế và phát âm khá chuẩn. Em Miyamoto Taiyo sinh viên năm thứ nhất trường Đại học  đã đạt giải xuất sắc trong phần đọc diễn cảm thơ.

Bài thơ 'Mẹ tôi chửi kẻ trộm' xuất hiện trong cuộc thi hùng biện Tiếng Việt toàn Nhật Bản - Ảnh 3.

Các thí sinh dự thi khu vực Tokyo

…"Từ thuở bé đến giờ

Hễ nhà mình mất gà mất lợn

Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế

Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả

Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa…"

Khi đọc bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm", các em thi sinh không chỉ chọn áo dài, mà có em chọn cả trang phục quần áo thổ cẩm của người vùng cao Viêt Nam, biểu diễn những động tác của người dân tộc Việt Nam vô cùng thuần thục. Những tiết mục này đã gây xúc động cho ban giám khảo người Việt Nam.

Bài thơ 'Mẹ tôi chửi kẻ trộm' xuất hiện trong cuộc thi hùng biện Tiếng Việt toàn Nhật Bản - Ảnh 4.

Thầy cô và các thí sinh khu vực Tokyo

Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng, thành viên ban giám khảo cuộc thi cho biết:

"Do là người Việt Nam, nên khi nghe các em học sinh Nhật Bản nói tiếng Việt, đọc những bài thơ Việt, chúng tôi vô cùng xúc động. Hơn nữa sự biểu đạt của các em vô cùng trong sáng và chân thành nên cảm xúc như được tăng lên gấp bội. Các em phát âm khá tốt, có em dùng thành thục thành ngữ khó trong bài thi, có em bàn luận cả về vấn đề phát triển kỹ thuật số trong tăng cường quan hệ Việt Nam-Nhật Bản. Điều này thể hiện trình độ tiếng Việt lẫn tư duy của các em rất tốt. Hơn thế nữa, trong các em đều toát ra tình yêu đối với Việt Nam thật sự".

Ông Miyauchi Takahisa, Hiệu trưởng trường đại học ngoại ngữ Kanda cho biết mặc dù ông không biết tiếng Việt, nhưng nghe các thí sinh trình bày các phần dự thi ông cảm nhận được các em yêu Việt Nam và trình độ tiếng Việt rất tốt. Thông qua cuộc thi, các em có những định hướng cho công việc của mình sau khi ra trường, tham gia vào những hoạt động giúp đỡ người Việt Nam tại Nhật Bản, nghiên cứu về Việt Nam…điều này sẽ đóng góp vào tăng cường hợp tác hai nước trên nhiều lĩnh vực.

Tất cả các em đều cho rằng muốn hiểu về Việt Nam thì ngôn ngữ chính là yếu tố đầu tiên và quan trọng. Vì vậy, việc học tiếng Việt đã duy trì nhiều năm tại rất nhiều các trường Đại học, Cao đẳng của Nhật Bản. Nhiều trường có khoa Việt Nam học, Tiếng Việt…như trường Đại học Osaka, trường Đại học ngoại ngữ Tokyo, trường Đại học ngoại ngữ Kanda…và ngày càng có nhiều sinh viên Nhật Bản theo học.

Ý kiến của bạn