Ba Vì tự hào nhận danh hiệu huyện Nông thôn mới
(VOVTV) - Sáng 30/9, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố và đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Huân chương Lao động hạng Ba và chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập huyện.
Tiền thân là 3 huyện Quảng Oai, Bất Bạt, Tùng Thiện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Ba Vì được hợp nhất năm 1968 và đến năm 2008 sáp nhập về Hà Nội. Địa phương này là địa bàn chiến lược về quân sự, quốc phòng, cửa ngõ phía tây Thủ đô.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Ba Vì từng gặp rất nhiều khó khăn. Bình quân mỗi xã chỉ đạt 05/19 tiêu chí, cả 31 xã chưa có đồ án quy hoạch xã nông thôn mới, các quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu sự gắn kết và chưa đồng bộ. Sản xuất nông nghiệp ở địa phương còn nhỏ lẻ, thu nhập của nhân dân còn thấp; số xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự cao; tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề kinh tế trong nước, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn thu ngân sách của huyện...
Để giải quyết được những khó khăn trên, Ba Vì đã đề ra nhiều giải pháp để triển khai đồng loạt đến 30 xã và 1 thị trấn với phương châm "Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm; duy trì, củng cố vững chắc kết quả đạt được" để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; tổ chức tham quan, học tập các mô hình, kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương khác; xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch chuyên đề. Quá trình thực hiện được triển khai đồng bộ, bài bản từ huyện tới cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Từ đó, đã có nhiều bước chuyển biến lớn tại địa phương.
Công tác quy hoạch của huyện đã được triển khai đồng bộ. Năm 2012, Ba Vì phê duyệt đồ án quy hoạch nông thôn mới của 30/30 xã; kịp thời cập nhật, điều chỉnh để phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch đã được phê duyệt.
Việc xây dựng hạ tầng được xác định là động lực, tiền đề để phát triển. Với quan điểm tập trung phát huy nguồn lực của cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân, huyện đã bố trí và huy động vốn thực hiện đầu tư với hơn 9.943 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố trên 7.481 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 1.783 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 42 tỷ đồng và vốn huy động ngoài ngân sách trên 635 tỷ đồng. Đặc biệt, vốn đóng góp từ nhân dân đạt trên 329 tỷ đồng để xây mới, cải tạo nâng cấp hơn 1.000 km đường giao thông, 400 km rãnh thoát nước ở khu dân cư. Cải tạo, xây mới 230 km kênh mương; xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 110 trường học, 30/30 xã có hội trường; 208/208 thôn có nhà văn hóa thôn; 28 chợ; 30/30 trạm y tế xã... và không có nợ đọng trong xay dựng cơ bản.
Phát triển kinh tế là điều kiện quyết định để nâng cao đời sống nhân dân. Hiểu rõ điều này, Ba Vì đã tập trung phấn đấu. Trong 10 năm, kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng và phát triển với giai đoạn 2011-2015 tăng 5,9%, giai đoạn 2016-2020 tăng 9,8%/năm.
Sở hữu diện tích đất nông nghiệp lớn, huyện đã triển khai chuyên đề về công tác dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, năng suất các loại cây trồng tăng từ 15 đến trên 20% so với năm 2010. Ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi đem lại giá trị kinh tế cao: Bò sữa, bò 3B, gà đồi, lợn nạc và siêu nạc... Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng hàng năm. Hiện trên toàn địa phương có 138 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 75 sản phẩm đạt 4 sao, 63 sản phẩm đạt 3 sao với trọng tâm là các sản phẩm từ sữa, thịt, rau quả có giá trị cao trên thị trường.
Ngoài ra, trên địa bàn Ba Vì còn có nhiều cụm công nghiệp đang hoạt động với các ngành nghề may mặc, giày da, điện tử, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng... không phát sinh nước thải công nghiệp…
Những yếu tố đó đã đưa thu nhập bình quân toàn huyện trong năm qua đã đạt 55,6 triệu đồng/người/năm (tăng 43,1 triều đồng so với năm 2010).
"Đây là niềm vinh dự, là phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì trong thời gian qua. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các tiêu chí huyện nông thôn mới đã đạt, rà soát để bổ sung, điều chỉnh đề án xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để sớm đạt được. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chăm lo, phát triển sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo; đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường bảo vệ môi trường khu vực nông thôn" – ông Đỗ Mạnh Hưng – Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết.
Cũng theo ông Hưng, niềm vui của huyện còn được nhân lên nhiều lần khi chỉ trong tháng 9, Ba Vì cũng vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Ba và chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập huyện.