Tin tức

Bà San Suu Kyi bị kết án 4 năm tù trong bản án đầu tiên

(VOVTV) - Toà án dưới chính quyền quân sự tại Myanmar đã ra phán quyết đầu tiên đối với bà San Suu Kyi vào ngày 6/12 tuyên phạt cựu lãnh đạo bị phế truất 4 năm tù vì tội kích động chống lại quân đội và vi phạm các hạn chế chống dịch Covid-19.

Tác giả Quang Trung / VOV Bangkok
06/12/2021 14:48

Bà Aung San Suu Kyi, 76 tuổi, cựu cố vấn nhà nước Myanmar đã bị tuyên án 4 năm tù vì tội kích động bất đồng chính kiến với quân đội và vi phạm các quy định về chống dịch Covid-19. Phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun cho biết, bà Suu Kyi bị kết án 2 năm tù theo điều 505 (b) và hai năm tù theo luật thiên tai. Tổng hình phạt ở phiên tòa đầu tiên mà bà Suu Kyi phải chịu là 4 năm tù.

Cựu Tổng thống Win Myint cũng bị tuyên án 4 năm tù với các tội danh tương tự, cả hai nhà cựu lãnh đạo này hiện tại đều đang bị quản thúc và chưa phải ngồi tù.

Bà San Suu Kyi bị kết án 4 năm tù trong bản án đầu tiên - Ảnh 2.

Bà San Suu Kyi bị kết án 4 năm tù trong bản án đầu tiên. Ảnh: Reuters

Phiên tòa đầu tiên xét xử bà San Suu Kyi được tổ chức kín tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar. Thông tin về phiên tòa cũng chỉ được công bố qua phát ngôn viên của chính quyền quân sự.

Bà Suu Kyi đã bị quân đội Myanmar quản thúc từ sau biến cố chính trị hồi tháng 2 vừa qua tại Myanmar. Sau đó, cựu cố vấn nhà nước đã bị buộc tội vi phạm luật viễn thông khi sở hữu bộ đàm trái phép. Ngoài ra, bà Suu Kyi còn bị hàng loạt các cáo buộc khác như gian lận bầu cử, tham nhũng, làm lộ bí mật nhà nước... Dự kiến, bà sẽ phải đối mặt với 11 vụ án hình sự với tổng mức án tối đa có thể lên tới 100 năm.

Chính quyền quân sự cũng yêu cầu đội ngũ pháp lý của bà Suu Kyi không được phép cung cấp thông tin cho truyền thông với lý do có thể gây ra bạo loạn, làm mất hòa bình và ổn định của đất nước.

Hiện tại chính quyền quân sự tại Myanmar đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích lớn từ cả trong lẫn ngoài nước. Trong khi các cuộc biểu tình kèm bạo lực vẫn liên tục diễn ra suốt từ tháng 2 vừa qua thì trên bình diện quốc tế, các nước đang cực lực chỉ trích chính quyền quân sự khi không đáp ứng thỏa thuận 5 điểm mà họ đã đồng ý trong phiên họp đặc biệt với ASEAN hồi tháng 4.

Người đứng đầu chính quyền quân sự, thống tướng Min Aung Hliang đã không được mời tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua cũng như Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc.

Ý kiến của bạn