Tin tức

Bà Nguyễn Ngọc Diệp tống tiền doanh nghiệp sẽ bị xử lý ra sao?

Theo luật sư, cơ quan điều tra sẽ cần làm rõ tính hợp pháp của hợp đồng truyền thông, chứng minh việc ký kết hợp đồng này là đúng quy định hay để che giấu hành vi phạm tội.

05/08/2021 09:20

Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội đã bắt tạm giam bị can Nguyễn Ngọc Diệp (34 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội Cưỡng đoạt tài sản. Ngoài bà Diệp, bà Đinh Thị Vân (33 tuổi, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng bị khởi tố về tội danh trên.

Theo cơ quan công an, bà Diệp nguyên là nhà báo, Trưởng ban PR - Chuyên đề, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, đã thông đồng với bà Vân để tống tiền các doanh nghiệp, công ty có sai phạm. Ngày 17/7, khi bà Diệp đang nhận tiền cưỡng đoạt của một công ty thì bị cơ quan điều tra bắt quả tang.

Theo dõi vụ việc, luật sư Lê Thị Bích Hải (Hãng Luật Hưng Yên) nhận định hành vi của bà Diệp và đồng phạm có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản, được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sư Hải cho biết hình phạt đối với bà Diệp sẽ phụ thuộc vào số tiền mà bị can này cưỡng đoạt. Theo quy định tại Điều 170, nếu tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 50 triệu thì mức án tối thiểu là một năm tù giam, còn đối với giá trị tài sản cưỡng đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, thì người nhận tiền sẽ phải nhận hình phạt tối đa 20 năm tù.

Bà Nguyễn Ngọc Diệp tống tiền doanh nghiệp sẽ bị xử lý ra sao? - Ảnh 1.

Đinh Thị Vân và Nguyễn Ngọc Diệp (bìa phải). Ảnh: Công an Hà Nội

Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) nhận định trong vụ án này, cơ quan điều tra cần thu thập các tài liệu, chứng cứ, chứng minh hành vi có tính chất đe dọa của các bị can đối với bị hại, hòng mục đích uy hiếp tinh thần để chiếm đoạt tài sản.

Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cũng đưa ra nhận định trường hợp bà Diệp phát hiện ra những sai phạm của doanh nghiệp, nên đơn vị này muốn trả thù nhà báo và bố trí việc giao nhận tiền để trình báo với cơ quan điều tra bắt quả tang.

"Có những trường hợp, doanh nghiệp có những sai phạm nên tìm cách đưa tiền cho phóng viên, nhà báo để được bỏ qua, mà trước đó hoàn toàn không có hành vi đe dọa, uy hiếp từ nhà báo. Việc nhận tiền trong một số trường hợp này chỉ là quan hệ dân sự hoặc nhận quà trái quy định, chưa đến mức xem xét xử lý hình sự", luật sư Cường phân tích.

Trong vụ án, cơ quan điều tra cho biết bà Diệp hợp thức hóa số tiền cưỡng đoạt bằng việc ép các công ty ký hợp đồng truyền thông.

Về chi tiết này, luật sư Cường cũng nhận định các cơ quan chức năng sẽ cần xem xét kỹ các tài liệu, hợp đồng để làm rõ tính hợp pháp của nó. Cơ quan điều tra cần thu thập đủ chứng cứ để chứng minh hợp đồng trên có phải là hình thức giả để che giấu hành vi phạm tội hay không.

Luật sư phân tích nếu hợp đồng truyền thông ký kết trên cơ sở tự nguyện, việc cơ quan báo chí nhận tiền theo đúng thủ tục về tài chính thì đây là hoạt động báo chí thông thường, không sai phạm. Còn trường hợp ký hợp đồng truyền thông không đúng thủ tục, chỉ là việc ký kết giữa các cá nhân, việc nhận tiền cũng không có phiếu thu... thì cơ quan điều tra sẽ có căn cứ để buộc tội với các bị can hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

"Trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ ý chí của các bên trong việc ký kết hợp đồng truyền thông, cũng như trong việc giao nhận tiền", luật sư Cường nói.

Ý kiến của bạn