Australia quá 'thong dong' trong việc tiêm vaccine ngừa Covid-19
(VOVTV) - Australia là một trong những quốc gia thành công nhất trong ứng phó với dịch Covid-19. Tuy vậy tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại nước này lại chậm hơn so với các quốc gia phát triển khác như Mỹ hay Anh khiến cho khi bùng phát trở lại dịch lây lan nhanh và khó kiểm soát.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Australia, tính đến hôm nay (28/7), Australia đã tiêm hơn 11,5 triệu mũi vaccine cho người dân. Tuy nhiên, với số lượng này chỉ khoảng 38% người dân từ 16 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi vaccine và 16,29% người đã tiêm đủ 2 mũi. Nếu so với Mỹ và Anh thì con số này là quá thấp.
Theo số liệu thống kê của Our world data, đến nay Mỹ đã tiêm 342 triệu liều vaccine cho người dân, trong đó 163 triệu người, tương đương với 49,7% dân số đã tiêm đủ 2 mũi. Còn tại Anh, nước này đã tiêm được 83,9 triệu mũi vaccine. Trong đó 37,3 triệu dân, tương đương với 55,9% dân số đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Australia chia đối tượng ưu tiên tiêm vaccine theo nghề nghiệp và độ tuổi. Thế nhưng ngay cả với độ tuổi ưu tiên được tiêm trong giai đoạn đầu tiên là những người từ 70 tuổi trở lên thì tỷ lệ tiêm chủng ở độ tuổi này cũng thấp. Hiện chỉ có 50% những người trong nhóm tuổi từ 95 trở lên đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine, tỷ lệ này ở nhóm từ 90 đến 94 tuổi là hơn 40% còn ở các nhóm tuổi từ 89 đến 70 đều dưới 40%. Và tất nhiên, ở các lứa tuổi khác, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa.
Tại sao việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Australia lại diễn ra chậm?
Thứ nhất là vì tình hình dịch Covid-19 không đến mức quá nghiêm trọng như tại Mỹ hay Anh nên cả chính phủ và người dân đều thấy không cần phải vội vã trong việc tiêm chủng. Vào tháng 1/2021, Thủ tướng Australia Scott Morrison nói rằng nước này không cần quá vội vàng trong việc tiêm chủng. Và đến cuối tháng 2/2021, chương trình tiêm chủng trên diện rộng mới được chính thức khởi động.
Vì thế khi các ca Covid-19 biến chủng Delta đầu tiên được xác nhận xuất hiện tại Australia vào đầu tháng 6 thì do nhiều người chưa được tiêm vaccine nên dịch đã lây lan nhanh hơn sức tưởng tượng của chính quyền và người dân. Bên cạnh đó cũng có tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng Australia từng đã nhanh chóng kiểm soát tốt dịch bệnh từ năm ngoái nên khi dịch xuất hiện lần này, điều này có thể tiếp tục được lặp lại.
Tuy vậy, điều không ai có thể ngờ là biến chủng Delta quá dễ lây và lây lan cũng quá nhanh thế nên khiến cho chính quyền bang New South Wales, nơi dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất tại nước này không kịp trở tay. Đến nay, sau gần 5 tuần phong tỏa tại thành phố Sydney mở rộng và vùng lân cận, số ca bệnh mới xuất hiện hàng này chưa giảm, đồng thời số trường hợp đi ra ngoài cộng đồng trong lúc mang virus vẫn nhiều. Thực tế này khiến chính quyền bang New South Wales vừa kéo dài lệnh phong tỏa áp dụng từ ngày 26/6 đến ngày 28/8 tới.
Phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ nước ngoài
Nguyên nhân thứ hai của sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm vaccine tại Australia là do phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ nước ngoài.
Australia từng đặt cược quá nhiều vào vaccine AstraZeneca khi đặt hàng tới 50 triệu mũi và xây dựng nhà máy sản xuất vaccine này tại Australia. Song khi chương trình tiêm chủng của nước này thay đổi, coi vaccine Pfizer là vaccine chủ chốt, dùng để tiêm cho những người từ 60 tuổi trở xuống còn vaccine AstraZeneca chỉ tiêm cho những người từ 60 tuổi trở lên nên từ chỗ có thể chủ động nguồn cung ở trong nước thì nay lại hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.
Không chỉ vậy, số lượng vaccine Pfizer mà nước này đặt hàng ban đầu cũng thấp, chỉ 10 triệu liều và sau này mới tăng dần lên và lần gần đây nhất là đặt mua thêm 85 triệu liều, nâng tổng số vaccine Pfizer mà nước này đặt mua lên tới 125 triệu liều. Đặt mua muộn cũng có nghĩa là thời gian giao hàng cũng sẽ không thể nhanh. Đó là chưa kể đến tại Mỹ và Châu Âu đều có nhà máy sản xuất vaccine Pfizer nhưng tại Australia thì không có nên Australia còn phải chờ vaccine được chuyên chở từ các nơi trên thế giới đến nước này.
Thêm vào đó, Australia cũng kiểm soát rất nghiêm ngặt chất lượng vaccine, mỗi lô nhập khẩu vào nước này đều được kiểm tra chất lượng kỹ càng. Và chỉ khi lô vaccine đạt đúng tiêu chuẩn đã đăng ký thì mới được vận chuyển đến các cơ sở tiêm chủng.
Người dân Australia chần chừ không muốn tiêm vaccine
Không chỉ chính quyền Australia không vội mà người dân nước này cũng e dè. Vì đây là loại vaccine mới mà tình hình dịch bệnh cũng không quá căng thẳng nên người dân Australia cũng chần chừ trước việc tiêm vaccine. Đặc biệt khi vaccine chủ lực ban đầu là AstraZeneca nên người dân càng không muốn đi tiêm vì chưa thấy cấp bách.
Chính vì thế mà những tháng đầu, tỷ lệ tiêm chủng tại Australia là rất thấp. Tình hình này chỉ bắt đầu có chuyển biến khi Australia quyết định đưa vaccine Pfizer trở thành vaccine chủ lực và đặc biệt khi dịch bùng phát tại bang Victoria vào hồi cuối tháng 5 và tiếp đó là giữa tháng 6 tại bang New South Wales thì người dân nước này mới thực sự cảm thấy cần phải đi tiêm vaccine.
Tuy vậy, khi nhu cầu tăng đột biến và nguồn cung vaccine lại có hạn và đã được lên kế hoạch từ trước khiến cho nhiều người phải đăng ký 2 tháng mới được tiêm vaccine Pfizer. Thêm vào đó, do Australia chia các giai đoạn tiêm theo lứa tuổi nên cho dù muốn tiêm mà không trong độ tuổi cho phép thì cũng chưa thể được tiêm.
Trước thực tế này, Australia đang bổ sung các biện pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Thứ nhất là linh hoạt độ tuổi tiêm chủng ở bang New South Wales, nơi dịch Covid-19 đang bùng phát.
Bắt đầu từ hôm nay (28/7), người dân trên 18 tuổi ở bang này có thể đi tiêm vaccine AstraZeneca mà không cần phải đăng ký trước. Đến thứ 6 tuần này, những người từ 18 tuổi trở lên sẽ được đăng ký tiêm vaccine AstraZeneca ở các trung tâm tiêm chủng. Thứ hai, các thông tin cập nhật về dịch bệnh hàng ngày giờ đã được dịch sang các một số ngôn ngữ nước ngoài để thuận tiện cho người dân ở những vùng dịch có thể theo dõi.
Đồng thời, tại các khu vực điểm nóng cũng bố trí thêm nhiều điểm tiêm chủng để người dân có thể dễ dàng đặt lịch và đến tiêm. Bên cạnh đó, học sinh lớp 12 vì sẽ sớm được quay trở lại trường nên những em sống trong vùng dịch cũng sẽ được tiêm vaccine Pfizer để không mang bệnh từ trường về nhà.
Australia hy vọng với các biện pháp này, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở nước này nói chung và tại bang New South Wales, nơi dịch đang bùng phát nói riêng sẽ được đẩy mạnh, giúp nước này nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19.
Tin nổi bật
Tin Video