Tin tức

Australia: Lạm phát lập kỷ lục mới

(VOVTV) - Tỷ lệ lạm phát tại Australia tiếp tục tăng cao khi ngày 27/7 Cơ quan thống kê nước này công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng đã lên đến 6,1%.

Tác giả Việt Nga / VOV Sydney
27/07/2022 15:00

Cơ quan thống kê Australia ngày 27/7 cho biết, chỉ số giá tiêu dùng trong quý II/2022 đã tăng thêm 1,8% , nâng chỉ số này trong 1 năm lên đến 6,1%, mức tăng cao nhất kể từ khi thuế giá trị gia tăng được áp dụng tại Australia vào năm 1999. Trong đó, một số sản phẩm có mức tăng lớn nhất là thực phẩm, bao gồm cả rau quả với mức tăng 7,3%, nội thất tăng 7%, tiếp đó là giá nhà tăng 5,6% và giá xăng dầu tăng 4,2%.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng tại Australia không nằm ngoài dự kiến khi người dân liên tục phải chi trả nhiều hơn cho hầu hết các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu trong những tháng qua.

Australia: Lạm phát lập kỷ lục mới - Ảnh 2.

Rau quả là một trong những mặt hàng có giá tăng mạnh nhất tại Australia trong thời gian qua. Nguồn: PENNY STEPHENS

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính của tăng giá là vì cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhu cầu tăng cao và sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng vì dịch Covid-19 và cả 2 đợt lụt lội liên tiếp tại miền Đông Australia trong 3 tháng vừa qua khiến hàng hóa khan hiếm và việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn.

Theo các nhà quan sát, dự kiến trong những tháng tới, lạm phát tại Australia sẽ vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt khi chính phủ quyết định kéo dài chương trình trợ cấp cho những người bị Covid-19 đến hết năm 2022 với khoản chi lên tới khoảng 760 triệu AUD.

Các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng ANZ dự báo, việc chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng có thể khiến Ngân hàng Dự trữ Australia tăng lãi suất thêm 0,5% lên 1,85% trong kỳ họp vào tháng 8 tới.

Mặc dù việc chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,1%, mức tăng kỷ lục trong 23 năm qua song nếu so với mức 9,1% của Mỹ vào tháng 6 và 9,1% vào tháng 5 của Anh thì có thể thấy mức tăng của Australia vẫn chưa thấm vào đâu.

Trong bối cảnh không chỉ lạm phát gia tăng tại Australia mà các nền kinh tế lớn trên thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo, kinh tế thế giới sẽ phát triển chậm lại, đạt khoảng 3,2% trong năm nay và 2,9% trong năm 2023 sau khi tăng 6,1% trong năm 2021. Trong bối cảnh này, không loại trừ khả năng ngân hàng trung ương của các nước đều phải tập trung vào mục tiêu hạ lạm phát để giảm áp lực cho người dân mặc dù biết rằng hành động này có thể không chỉ tạo ra sự bất ổn trong nền kinh tế mà còn có thể khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái vào năm tới.

Ý kiến của bạn