Tin tức

Australia bắt đầu cho phép kê đơn “thuốc lắc” để chữa trị các chứng bệnh tâm thần

(VOVTV) - Bắt đầu từ tháng 7 này, Australia sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép sử dụng thuốc gây ảo giác, hay còn gọi là “thuốc lắc” một cách hợp pháp để điều trị các bệnh liên quan tới trầm cảm, tự kỷ và rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý.

Tác giả Thiên Thành/VOV Australia
07/07/2023 16:19

Theo thông báo của Cơ quan Quản lý Dược phẩm Australia, bắt đầu từ tháng 7/2023, các bác sỹ nước này được phép kê toa một số chất gây ảo giác, trong đó có Methylenedioxymethamphetamine, hay còn được gọi là “thuốc lắc” cho các bệnh nhân mắc chứng trầm cảm, tự kỷ khó điều trị hoặc rối loạn tinh thần do sang chấn tâm lý.

Australia bắt đầu cho phép kê đơn “thuốc lắc” để chữa trị các chứng bệnh tâm thần  - Ảnh 1.

Australia sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép các bác sỹ kê đơn thuốc gây ảo giác hay còn gọi là "thuốc lắc" cho bệnh nhân. Nguồn ABC

Các nhà khoa học và y tế Australia đã rất bất ngờ trước thông báo này của Cơ quan Quản lý Dược phẩm, bởi theo đó, Australia sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép thuốc lắc được sử dụng hợp pháp một cách tương đối rộng rãi.

Chris Langmead, phó giám đốc Trung tâm Khám phá Thần kinh tại Viện Khoa học Dược phẩm Monash, Australia cho biết, thế giới có rất ít tiến bộ trong việc điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần dai dẳng trong 50 năm qua. Chính vì vậy, động thái này sẽ đưa Australia đi đầu trong nghiên cứu ứng dụng các thành phần tác động thần kinh trong nấm ảo giác vào điều trị y tế.

Australia bắt đầu cho phép kê đơn “thuốc lắc” để chữa trị các chứng bệnh tâm thần  - Ảnh 2.

Nhiều chuyên gia y tế Australia quan ngại việc cho phép kê đơn thuốc gây ảo giác (thuốc lắc) là quá sớm và cần nghiên cứu nhiều hơn. Nguồn ABC

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế Australia cũng cảnh báo rằng, cần có nhiều nghiên cứu hơn về hiệu quả và mức độ rủi ro của thuốc ảo giác, bởi nó có thể gây nghiện cũng như tạo ra các hậu quả khó lường và lâu dài đối với trung khu thần kinh con người.

Tiến sĩ Paul Liknaitzky, Giám đốc Phòng thí nghiệm ảo giác lâm sàng của Đại học Monash cho biết, việc thực nghiệm và kiểm chứng đối với thuốc gây ảo giác đối với chữa trị lâm sàng vẫn chưa thực sự đầy đủ và việc cho phép sử dụng rộng rãi như vậy là quá sớm. Phần lớn các bác sĩ lâm sàng hiện nay không đủ năng lực hoặc được trang bị kém để có thể kiểm soát và kê đơn phù hợp. Ngoài ra, hầu hết người dân sẽ không thể chi trả được do giá cả điều trị theo phương án này sẽ rất đắt đỏ, khoảng 10.000 AUD/liệu trình.

Ý kiến của bạn