Tin tức

APEC: Kỳ vọng tăng trưởng ổn định vào năm 2022

(VOVTV) - Báo cáo mới về xu hướng kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương cho thấy nền kinh tế khu vực Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến tăng trưởng 6% trong năm nay và sẽ ổn định ở mức 4,9% vào năm 2022.

08/11/2021 20:54

Theo Phân tích xu hướng khu vực APEC (ARTA) mới nhất, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng 8% trong nửa đầu năm 2021, sau khi giảm 3,7% trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, tăng trưởng giữa các nền kinh tế thành viên tiếp tục phân hóa và duy trì sự không chắc chắn.

Tăng trưởng kinh tế khu vực APEC được kỳ vọng ổn định vào năm 2022 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Tăng trưởng về khối lượng và giá trị thương mại hàng hóa tăng tốc ở mức hai con số trong nửa đầu năm nay nhờ sự phục hồi trong hoạt động kinh tế.

Giao dịch hàng hóa liên quan đến COVID-19 như dược phẩm, thiết bị viễn thông và máy tính tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, phân tích cũng cho thấy sự sụt giảm mạnh về đầu tư vào lĩnh vực xanh cho khu vực APEC, xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm.

Điều này liên quan đến vai trò quan trọng của khối trong việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và năng suất cũng như cải thiện công nghệ và kỹ năng của lực lượng lao động trong các nền kinh tế thành viên.

Báo cáo ARTA còn nêu rõ tình trạng lạm phát tăng, cụ thể mức lạm phát trong 9 tháng đầu năm 2021 của khối này đã tăng 2,6% trong khi mức tăng trung bình của năm ngoái chỉ ở mức 1,5%. Phân tích chỉ ra nguy cơ về xu hướng lạm phát tăng đối với sự phục hồi kinh tế nếu tình trạng tăng này không được giải quyết.

Tiến sĩ Denis Hew, Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ Chính sách APEC, đơn vị đưa ra báo cáo, cho biết APEC ghi nhận quá trình phục hồi ngay cả trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra. Ông nhấn mạnh có nhiều bài học khó khăn được rút ra từ đại dịch, trong đó chính sách kinh tế, thương mại và y tế gắn liền với nhau và các chính sách tốt mới là điều quan trọng.

Ông nhấn mạnh việc tiếp cận bất bình đẳng đối với vaccine cần phải được giải quyết khẩn cấp để tránh tình trạng phục hồi hai tốc độ. Các nền kinh tế APEC cũng nên cân nhắc trước quyết định mở cửa kinh tế, từng bước hồi sinh các lĩnh vực như du lịch và lữ hành, phục hồi các ngành sản xuất.

Báo cáo cũng đề cập đến mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu đối với khu vực vì điều này sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính, chuỗi cung ứng và hành vi tiêu dùng của các nền kinh tế APEC.

Ông Emmanuel San Andres, nhà phân tích tại Cơ quan Hỗ trợ Chính sách APEC, đồng tác giả của báo cáo, cho rằng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là lĩnh vực không chỉ của các nhà khoa học mà còn của các nhà hoạch định chính sách.

Báo cáo lưu ý rằng ngay cả trong kịch bản tốt nhất, khi mức tăng của nhiệt độ Trái Đất được duy trì ở mức bằng hoặc dưới 2 độ C, APEC có thể thiệt hại về GDP lên tới 11,3% vào năm 2050. Ông San Andres nói thêm việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đòi hỏi cách tiếp cận tổng thể trên nhiều lĩnh vực và bao gồm cả việc đảm bảo thực hiện các chính sách xanh, giải quyết các tác động tiêu cực tình trạng này.

Ý kiến của bạn