Áp thấp sẽ mạnh lên thành bão: Các địa phương chủ động ứng phó
(VOVTV) - Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão, các địa phương trong vùng được dự báo chịu ảnh hưởng đã yêu cầu chủ động triển khai công tác ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của người dân.
Hà Tĩnh: Chủ động ứng phó với bão số 4
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh, hiện trên địa bàn có 348 hồ đập lớn nhỏ. Trong đó có hồ Ngàn Trươi, huyện Vũ Quang, với dung tích 775 triệu m3 nước, 70 hồ chứa lớn và 277 hồ chứa nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết các hồ chứa trên địa bàn Hà Tĩnh đều được xây dựng từ hàng chục năm trước, nay đã xuống cấp, có hồ xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn khi mưa lớn, nước dâng cao. Hiện Hà Tĩnh có khoảng 130 công trình hồ đập xuống cấp, trong đó có 47 hồ chứa xung yếu, nhất là 2 công trình hồ Khe Chạn ở Hương Khê và hồ Khe Đá ở Hương Sơn. Đây là 2 hồ chứa mà ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo không được tích nước. Để đảm bảo an toàn hồ chứa, tránh nguy cơ sự cố có thể xảy ra, tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát hiện trạng hồ đập, sẵn sàng các phương án ứng phó.
Cùng với việc tìm phương án bảo đảm an toàn hồ đập, tỉnh Hà Tĩnh cũng tiến hành rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét …. Thống kê cho thấy, hiện tỉnh Hà Tĩnh có trên 1.100 hộ dân, với khoảng 4000 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và trên 1.200 hộ dân, với khoảng 4.300 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Các địa phương có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét là huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê…
Cụ thê, tại huyện miền núi Hương Sơn, chính quyền địa phương tập trung rà soát trên 700 hộ, với khoảng 2400 nhân khẩu tại các vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, đặc biệt là ở các xã có địa hình phức tạp như Sơn Hồng, Sơn Kim1, Sơn Kim2… Cùng với đó, rà soát, lên phương án đảm bảo an toàn cho người dân vùng ngập lụt, vùng hạ du sông Ngàn Phố. Các địa phương đã chủ động triển khai lực lượng dân quân tự vệ, xung kích kiểm tra, rà soát, cắm biển cảnh báo tại các khu vực trũng thấp.
Tại huyện Đức Thọ, nơi có tuyến đê La Giang xung yếu và nhiều xã khu vực ngoài đê, 3 xã vùng thượng dễ bị chia cắt và ngập sâu khi lũ đến, Ban chỉ huy phòng chống thiên tại huyện yêu cầu các xã rà soát, xác định những vùng nguy cơ ngập sâu để bổ sung phương án ứng phó, di dời dân trong trường hợp khẩn cấp. Kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, chủ động dự trữ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm... Đồng thời, tiếp tục kiện toàn các lực lượng xung kích để chủ động phòng, chống mưa bão. Ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ cho biết, với 2.300 hộ dân, trong đó 40% sống ngoài đê, việc phòng chống lũ luôn được quan tâm đặc biệt.
Quảng Ngãi: Tạm dừng tuyến vận tải khách Sa Kỳ- Lý Sơn, cấm tàu thuyền ra khơi
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công điện yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Theo bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, từ sáng nay trên vùng biển Lý Sơn có gió cấp 6, cấp 7, biển động. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Lý Sơn cấm tất cả tàu thuyền ra khơi, thông báo các tàu cá trên biển di chuyển vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú. Cảng vụ Hàng hải cũng tạm dừng hoạt động tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ- Lý Sơn và ngược lại từ sáng nay.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Đến trưa nay, công tác đưa tàu thuyền, lồng bè vào nơi tránh trú an toàn là đảm bảo. Còn công tác kêu gọi các phương tiện tàu thuyền đánh bắt ở các vùng biển, chúng tôi đã liên lạc và hướng dẫn họ tìm nơi trú an toàn và có hướng đi phù hợp. Hiện nay, chúng tôi cũng đã cấm tàu thuyền đánh bắt hải sản và tuyến vận chuyển hàng hóa, hành khách Sa Kỳ- Lý Sơn . Sáng nay cũng đã cấm, không cho tàu thuyền vào đất liền cũng như ngược lại”.
Quảng Nam: Bắn pháo hiệu thông báo tàu thuyền tránh trú bão
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, đến sáng nay 18/9, tỉnh Quảng Nam có 206 tàu cá với 1.942 lao động đang hoạt động trên biển. Tối 17/9, lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đã bắn pháo hiệu thông báo cho các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động khu vực có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp bão số 4 vào bờ tránh trú, dự kiến hôm nay 18/9 các tàu sẽ vào tránh trú tại cảng An Hòa, huyện Núi Thành. Sáng 18/9, UBND thành phố Hội An đã yêu cầu tàu thuyền tạm dừng ra đảo Cù Lao Chàm để đảm bảo an toàn.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nên nhiều giờ qua, trên địa bàn tình Quảng Nam mưa vừa, mưa to. Mưa lớn có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc và gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển; Kiểm tra, rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, để chủ động di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn, bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, có nguy cơ sạt lở. Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã chủ động dự trữ lương thực, đề phòng giao thông bị chia cắt, bố trí lực lượng tại chỗ sẵn sàng hỗ trợ sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
Quảng Bình cấm biển từ 0 giờ ngày 19/9 cho đến khi an toàn
Ngày 18/9, để chủ động với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Bình, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương triển khai phương án theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển tập trung rà soát, kiểm đếm tàu hàng, tàu cá đang hoạt động trên biển, đặc biệt lưu ý thuyền nan, thuyền nhỏ. Đồng thời bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn.
Các đơn vị hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm, cháy nổ khi neo đậu; chỉ đạo các tổ, đội đánh bắt trên biển duy trì liên lạc, hỗ trợ nhau khi có sự cố; tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản. Quảng Bình tổ chức cấm biển bắt đầu từ 0 giờ ngày 19/9 cho đến khi an toàn.
Huyện, thành phố, thị xã khẩn trương kiểm tra những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nhà yếu trước gió bão; triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, chủ động sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn. Trong đó, lưu ý các vị trí có nguy cơ sạt lở cao như đồi Phòng không (xã Đức Hóa), thôn 5 (thị trấn Quy Đạt), thôn Rục (xã Hồng Hóa)...; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày.
Các địa phương nắm chắc thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về an toàn trước khi mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò, chủ động tạm dừng hoạt động đối với các cầu phao, đò ngang khi có mưa lũ lớn. Cùng với đó, rà soát, kiểm tra và thanh thải vật cản dòng chảy trên sông, suối, nhất là ở các tràn xả lũ hồ chứa, khu vực quanh các cầu giao thông.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, các huyện, thị xã, thành phố và sở, ngành có liên quan khẩn trương triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đang thi công; đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch, kè biển Quảng Phúc, kè biển Nhật Lệ - Quang Phú, Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 2... chủ động đảm bảo an toàn cho công trình và người lao động.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng nhiệm vụ, đảm bảo an toàn hệ thống thủy lợi, đê điều, nhất là các hồ chứa nhỏ, xung yếu; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ để thực hiện ứng phó khi cần thiết. Đồng thời quản lý chặt chẽ việc tích nước, xả lũ của các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện, chỉ đạo chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn công trình và an toàn cho vùng hạ du.
Quảng Trị cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
UBND tỉnh Quảng Trị có công điện gửi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn về công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến áp thấp nhiệt đới và các hình thái thời tiết nguy hiểm để kịp thời ứng phó. Các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị hướng dẫn, kiểm đếm tàu thuyền tránh trú an toàn. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân…
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão, dự báo chiều tối từ ngày 18-20/9 khu vực Quảng Trị xuất hiện một đợt mưa to đến rất to và dông. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi; lũ trên các sông; ngập lụt tại các khu vực trũng, thấp.
Ông Lê Quang Lam, Chánh Văn Phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết: “Hiện nay vấn đề sạt trượt ở các vùng Hướng Hóa, Đakrông xác định được các vùng tập trung ở khu dân cư ven sườn đồi, sườn núi trên các tuyến đường gai thông huyết mạch là các địa điểm có nguy cơ xảy ra sạt trượt. Hiện các địa phương cũng đã xác định các vị trí này từ đó cắm biển cảnh báo cho người dân để người dân chủ động ứng phó với nguy cơ sạt trượt lở đất”.
Thanh Hóa chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn có công điện số 21/CĐ-UBND yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa và các đơn vị liên quan.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão, mưa lũ để chủ động ứng phó phù hợp theo phương châm "4 tại chỗ", không để bị động, bất ngờ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai có thể gây ra.
Các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai ngay biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển; chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với áp thấp nhiệt đới/bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, tập trung bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ đập, thủy lợi, vận hành hồ chứa thủy lợi, thu hoạch cây trồng vụ Thu Mùa, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản; kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh những nội dung vượt thẩm quyền. Tính đến sáng 18/9, Thanh Hóa đã thu hoạch được hơn 70.000 ha lúa mùa, đạt trên 60% diện tích. Do đó các địa phương cần đẩy mạnh thu hoạch lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giảm thiểu thiệt hại trước nguy cơ mưa bão, ngập úng có thể tiếp tục xảy ra.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương ứng phó với thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa và các đơn vị liên quan chỉ đạo chủ động thông tin, hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho tàu vận tải, tàu du lịch; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống thiên tai.
Trước đó, bão số 3 đã làm 1 người ở Thanh Hóa thiệt mạng, 2 người bị thương. Mưa, gió lốc cũng làm 299 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng. Ngoài ra, có 3.335 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, đổ gãy… Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 305 tỷ đồng.
TP.HCM chỉ đạo ứng phó áp thấp nhiệt đới, triều cường kết hợp mưa lớn
Trước dự báo áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4 và triều cường kết hợp mưa lớn giữa tháng 9, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi các sở, ngành, đơn vị, địa phương yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó.
Theo đó, các sở, ngành, đơn vị liên quan; UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão để chủ động triển khai các phương án, biện pháp phòng chống, ứng phó.
UBND huyện Cần Giờ, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin duyên hải TP.HCM thường xuyên thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên sông, biển biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn, không đi vào khu vực nguy hiểm và có kế hoạch khai thác thủy sản phù hợp.
Để phòng chống, ứng phó áp thấp nhiệt đới, triều cường kết hợp mưa lớn giữa tháng 9, các địa phương cũng được đề nghị chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư (cừ tràm, vải bạt, bao tải đất, cát…) để kịp thời xử lý, gia cố bờ bao xung yếu ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”, không để xảy ra tình trạng bể, tràn bờ bao, sự cố cửa van cống kiểm soát triều gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Riêng UBND Quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, thiết bị kịp thời khắc phục sớm nhất nếu xảy ra sự cố thuộc các gói thầu của Dự án Bờ hữu ven sông Sài Gòn trên phạm vi địa bàn quản lý.
Các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kịp thời xử lý các vị trí bờ bao, cống kiểm soát triều, kênh dẫn dòng xung yếu, vận hành hiệu quả các cửa xả, cống kiểm soát triều, trạm bơm. Đồng thời, các đơn vị phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy - Công an thành phố bố trí máy bơm nước di động để kịp thời khắc phục các điểm ngập.
Đối với các tuyến đường ngập do triều cường, mưa lớn cần được chuẩn bị biện pháp đảm bảo an toàn như lắp biển cảnh báo, rào chắn, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng… nhằm tránh xảy ra tai nạn khi ngập úng.
Theo Đài Khí tượng, Thuỷ văn khu vực Nam Bộ từ tối nay (17/9) đến tối ngày 19/9 khu vực TP.HCM sẽ có mưa vừa, mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 30-70mm, có nơi trên 80mm. Khả năng đợt mưa lớn có thể kéo dài đến này 20/9. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Liên quan áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, dự báo trong 24 – 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11. Vùng biển từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm vùng biển TP.HCM) gió Tây Nam cấp 6-7, giật cấp 8-9, độ sóng cao 1,5-3m. Thời tiết trên biển có mưa rào và dông, trong cơn dông đề phòng gió giật mạnh, lốc xoáy.
Ngoài ra, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cũng cho biết, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai sẽ lên theo kỳ triều cường Rằm tháng Tám (Âm lịch). Đỉnh triều cao nhất trong đợt này có thể xuất hiện vào ngày 20-21/9, tức ngày 18-19/8 Âm lịch.
Cụ thể, tại trạm Phú An, Nhà Bè ở đỉnh triều ở mức 1,58-1,65m ( xấp xỉ hoặc cao hơn báo động III 0,05m), thời gian xuất hiện từ 5-7h và 17-19h; tại trạm Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) ở mức 1,6-1,7m ( xấp xỉ hoặc cao hơn báo động III 0,1m; tại trạm Biên Hòa (sông Đồng Nai) ở mức 1,9-1,95m (cao hơn báo động I 0,1-0,15m).
(VOVTV sẽ tiếp tục cập nhật...)
Tin nổi bật
Tin Video