Áp thấp nhiệt đới suy yếu thành áp thấp và tan dần
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến tối 25/7 áp thấp nhiệt đới trên khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ đã suy yếu thành một vùng áp thấp.
Hồi 19 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, ngay phía Tây Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, suy yếu và tan dần. Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên gió mạnh và sóng lớn trên khu vực Biển Đông và vùng biển phía Nam còn diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và báo cáo nhanh của Cục Quản lý Công trình thủy lợi, đến nay, thiệt hại do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gồm: một nhà bị sập tại tỉnh Thanh Hoá, 10 nhà ở bị sạt lở, ảnh hưởng một phần tại các tỉnh Hòa Bình, Nghệ An; 4.787 ha lúa bị ngập úng (Hòa Bình: 10,8 ha, Nam Định: 4.207,9 ha, Ninh Bình: 579 ha); 200m mặt đường láng nhựa bị cuốn trôi (Hòa Bình); 3 tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng (Nghệ An); xói lở 50m kè đá (Nghệ An). Các địa phương đang vận hành tổng cộng 55 trạm bơm/236 máy bơm và 156 cống tiêu để tiêu nước.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, các bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Vùng đồng bằng và ven biển rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị, khu công nghiệp.
Vùng núi triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; chủ động phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Các địa phương kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; triển khai công tác đảm bảo an toàn các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản; kiên quyết xử lý các khu vực khai thác khoáng sản trái phép, không để xảy ra sự cố khi mưa lũ.
Tin nổi bật
Tin Video