Kinh doanh

Áp lực bán tháo trở lại Phố Wall sau hai phiên tăng liên tiếp

Cả ba chỉ số chính đều kết thúc ở mức thấp hơn, trong đó chỉ số công nghệ Nasdaq giảm mạnh nhất ở mức 2,5% và khép phiên ở mức 14.525,91 điểm.

14/01/2022 09:24

Chứng khoán thế giới dịch chuyển ngược chiều nhau trong phiên 13/1, với Phố Wall đã chịu áp lực trở lại sau hai phiên tăng điểm liên tiếp trước đó.

Phiên này, chứng khoán Mỹ tuy mở cửa cao hơn nhưng lại chìm trong sắc đỏ sau đó. Cả ba chỉ số chính đều kết thúc ở mức thấp hơn, trong đó chỉ số công nghệ Nasdaq giảm mạnh nhất ở mức 2,5% và khép phiên ở mức 14.525,91 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,5% lên 36.113,62 điểm, song chỉ số S&P 500 sụt mất 1,4% xuống 4.659,03 điểm.

Áp lực bán tháo trở lại Phố Wall sau hai phiên tăng liên tiếp - Ảnh 1.

Giao dịch viên làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

“Bức tranh” thị trường chứng khoán châu Âu ở bên kia bờ Đại Tây Dương cũng đan xen sắc xanh-đỏ. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 0,2% lên 7.563,85 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 0,1% lên 16.031,59 điểm.

Tuy nhiên, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) giảm 0,5% xuống 7.201,14 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này đi ngang và khép phiên ở mức 4.315,90 điểm.

Khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ tập trung ưu tiên vào kiểm soát lạm phát, giới đầu tư đang nhanh chóng điều chỉnh lại các dự báo của họ.

Ông Art Hogan, chiến lược gia trưởng tại công ty môi giới tài chính National Securities, cho biết nhiều cổ phiếu công nghệ vẫn được định giá quá cao trong khi hiện thị trường nhận định Fed có thể tăng lãi suất nhiều lần vào năm 2021. Do đó, một số lượng đáng kể nhà đầu tư đang rời khỏi nhóm cổ phiếu này khi Fed tỏ ra cứng rắn so với thời kỳ trong đại dịch.

Nhà phân tích thị trường Craig Erlam nhận định lãi suất và lạm phát sẽ khiến các nhà đầu tư phải lo lắng trong giai đoạn tới.

Hôm thứ Tư (12/1), số liệu chính thức cho thấy giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong năm 2021 tăng với tốc độ nhanh nhất trong bốn thập kỷ. Song chỉ số này trong tháng 12 đã tăng chậm lại so với tháng 11, cho thấy mức tăng giá có thể gần đạt đỉnh.

Sang thứ Năm (13/1), Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của tháng trước cũng cho thấy xu hướng tương tự khi hạ nhiệt so với tháng 11/2021, nhưng vẫn tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là dấu hiệu mới nhất về áp lực lên giá cả tại nền kinh tế Mỹ.

Nhiều nhà kinh tế dự kiến Fed sẽ có ba lần tăng lãi suất trong năm nay. Nhưng Chủ tịch James Bullard của Fed chi nhánh St Louis hôm 12/1 cho biết các nhà hoạch định chính sách có thể phải quyết liệt hơn và nâng lãi suất tới bốn lần.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/1, chỉ số VN-Index giảm 14,46 điểm (0,96%) xuống 1.496,05 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 12,81 điểm (2,7%) xuống 460,83 điểm.

Ý kiến của bạn