Ao Bà Om - “Đà Lạt” của Trà Vinh
Ao Bà Om là một danh thắng nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh, nằm tại phường 8 (thành phố Trà Vinh).
Ao Bà Om có diện tích hơn 300ha, gồm 3 phần chính là ao, bờ ao và rừng cây cổ thụ bao quanh. Nằm ở vị trí trung tâm của danh thắng là ao nước ngọt có hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 300m, vì thế, ao Bà Om còn có tên gọi khác là ao Vuông. Đây thực ra là một hồ thủy lợi cổ được cư dân địa phương đào đắp thủ công từ nhiều thế kỷ trước nhằm tích trữ nước mưa, bảo đảm nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và canh tác nông nghiệp.
Bao quanh ao Bà Om là khu rừng nguyên sinh được bảo tồn khá nguyên vẹn với gần 500 cây dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Qua quá trình xâm thực, đất cát bị cuốn đi làm trơ lại những gốc cây cổ thụ có hình dạng kỳ lạ. Bên dưới tán cây là một lối đi quanh năm mát rượi, ngoằn ngoèo, nhiều đồi dốc khiến người ta mệnh danh nơi này là “Đà Lạt giữa đồng bằng”.
Có nhiều truyền thuyết lý giải về cái tên ao Bà Om, trong đó phổ biến nhất là truyền thuyết của người Khmer về một người phụ nữ tên Om đã dùng mưu kế để chiến thắng cánh đàn ông trong cuộc thi đào ao, giành lại quyền lợi của người phụ nữ theo chế độ mẫu hệ, đồng thời mang lại nguồn nước cho cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Để ghi nhớ công ơn của bà, người dân đã đặt tên cho ao này là ao Bà Om.
Ao Bà Om đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994, giữ vị trí quan trọng trong lễ hội Ok Om Bok - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, diễn ra vào tháng Mười (âm lịch) hằng năm, thu hút số lượng lớn người dân và du khách tham dự. Ngoài ra, trong khuôn viên danh thắng còn có Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia chùa Âng (chùa Angkorajaborey) - ngôi chùa Khmer cổ nhất Trà Vinh, và Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer. Tất cả tạo thành một quần thể danh thắng, di tích hấp dẫn, là điểm nhấn quan trọng trong tour tham quan Trà Vinh của du khách.