Tin tức

Anh tăng dự trữ đầu đạn hạt nhân, hướng tham vọng đến Ấn Độ - Thái Bình Dương

(VOVTV) - Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 16/3 đã chính thức công bố chiến lược đối ngoại và quốc phòng mới của Vương quốc Anh thời kỳ hậu Brexit, trong đó nhấn mạnh tham vọng can dự mạnh mẽ hơn vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và tạo lập liên minh để kiềm chế Trung Quốc.

Tác giả Quang Dũng / VOV Paris
17/03/2021 07:43

Những chi tiết quan trọng nhất trong bản chiến lược đối ngoại và quốc phòng dày hơn 100 trang được Thủ tướng Anh Boris Johnson trình bày trước Nghị viện Anh chiều ngày 16/3 bao gồm việc chấm dứt 30 năm giải trừ quân bị của nước này kể từ thời điểm Chiến tranh lạnh kết thúc, khi gia tăng chi tiêu quốc phòng thêm 24 tỷ bảng Anh trong vòng 4 năm tới, với mục tiêu duy trì ngân sách quốc phòng hàng năm ở mức 2,2% GDP và là nước có chi tiêu quân sự lớn nhất châu Âu.

Trọng tâm trong kế hoạch gia tăng chi tiêu quốc phòng sắp tới sẽ là việc tăng 40% dự trữ đầu đạn hạt nhân, từ con số 180 đầu đạn hiện nay lên 260 đầu đạn hạt nhân, cải tiến thế hệ tên lửa đạn đạo chiến lược Trident. Ngoài ra, 6,6 tỷ bảng Anh sẽ được cung cấp cho các chương trình nghiên cứu không gian, vũ khí năng lượng định hướng và tên lửa siêu thanh.

Tất cả các tham vọng mới về quốc phòng này sẽ phục vụ cho mục tiêu triển khai quân đội Anh ra nước ngoài nhiều hơn, với thời gian lâu hơn, với ưu tiên đặc biệt là khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, khu vực mà Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định là trung tâm địa chính trị mới của thế giới.

Thủ tướng Boris Johnson cũng thông báo, cách tiếp cận đầu tiên của Vương quốc Anh sẽ là thông qua ngoại giao và ông đã mời các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 do Anh là nước chủ nhà, tổ chức vào tháng 6 tới. 

Anh tăng dự trữ đầu đạn hạt nhân, hướng tham vọng đến Ấn Độ - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Anh. Nguồn ảnh: The Guardian

Ngoài ra, ông Boris Johnson cũng cho biết sẽ thăm Ấn Độ trong tháng 4/2021, đã nộp đơn để trở thành đối tác đối thoại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN và nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP.

Giới phân tích chính trị tại Anh và châu Âu nhận định, đây là các thay đổi chiến lược lớn nhất và quan trọng nhất của nước Anh từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, phản ánh tham vọng mới của nước Anh sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu là xây dựng một “Nước Anh toàn cầu”, gia tăng can dự trên thế giới, đặc biệt tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, và là bước đi rõ ràng trong nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, nước đang có quan hệ căng thẳng với Anh trong thời gian qua. Trước đó, chính phủ Anh cũng đã lên kế hoạch gửi tàu sân bay mới của nước này đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông.

Đối với quan hệ với Trung Quốc, bản chiến lược của ông Boris Johnson được cho là sử dụng từ ngữ kiềm chế hơn so với đòi hỏi từ phe diều hâu trong nội bộ đảng Bảo thủ, trong đó Thủ tướng Anh nhấn mạnh cả sự cạnh tranh lẫn hợp tác với Trung Quốc và coi các ý tưởng về Chiến tranh lạnh với Trung Quốc hay tách rời hoàn toàn nền kinh tế Anh khỏi Trung Quốc là điều sai lầm:

“Không có nghi ngờ gì là Trung Quốc sẽ tạo nên một thách thức to lớn cho các xã hội rộng mở như xã hội Anh. Nhưng chúng tôi cũng sẽ làm việc với Trung Quốc khi nào điều đó phù hợp với các lợi ích và giá trị của nước Anh, bao gồm việc xây dựng một quan hệ kinh tế mạnh mẽ và tích cực hơn, cũng như hợp tác trong vấn đề chống biến đổi khí hậu”.

Phản ứng trước bản chiến lược mới do Thủ tướng Boris Johnson trình bày, lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer chỉ trích chính phủ đảng Bảo thủ đang theo đuổi các chính sách không ổn định đối với Trung Quốc như trong cả thập kỷ qua, đề cập đến thời của cựu Thủ tướng David Cameron, khi Anh gia tăng quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Phe đối lập cũng phản đối ý tưởng gia tăng số đầu đạn hạt nhân vì cho rằng điều này đi ngược lại cam kết của nhiều đời chính phủ của hai đảng trong việc cắt giảm kho dự trữ hạt nhân, đồng thời ông Boris Johnson không giải thích được việc tại sao cần gia tăng kho vũ khí hạt nhân và điều này phục vụ cho mục tiêu chiến lược nào.

Ý kiến của bạn