Anh: Những thách thức lớn chưa từng có đối với chính phủ mới
(VOVTV) - Ông Rishi Sunak, 42 tuổi, vừa được lựa chọn làm lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ trong chiều 24/10, đồng nghĩa với việc sẽ thay bà Liz Truss làm Thủ tướng Anh. Trong ngày hôm nay 25/10, ông sẽ nhậm chức, dẫn dắt chính phủ mới của Anh vượt qua những thách thức lớn chưa từng có.
Bê bối kéo dài, uy tín của đảng Bảo thủ thấp nhất hàng thập kỷ
Ngay sau khi ông Rishi Sunak được lựa chọn làm lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ trong chiều 24/10, đồng nghĩa với việc sẽ thay bà Liz Truss làm Thủ tướng mới của Anh, hãng thăm dò dư luận uy tín tại Anh là YouGov đã tiến hành một cuộc thăm dò về sự kiện này và kết quả cho thấy là người dân Anh vẫn bị chia rẽ đáng kể về việc ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng mới của Anh.
Khoảng 38% số người được hỏi cho biết “hài lòng” với việc ông Rishi Sunak thay bà Liz Truss nhưng cũng có 41% số người cho biết “thất vọng” vì việc này.
Thật ra đây không phải là một kết quả quá tệ đối với đảng Bảo thủ và cá nhân ông Rishi Sunak bởi sau những bê bối kéo dài từ thời ông Boris Johnson đến việc điều hành kém cỏi của bà Liz Truss, uy tín của đảng Bảo thủ đang xuống mức thấp nhất trong hàng thập kỷ qua, bị Công đảng đối lập bỏ xa đến khoảng 30 điểm trong các cuộc thăm dò dư luận.
Cá nhân các ông Boris Johnson và bà Liz Truss đều chỉ nhận được các đánh giá rất thấp, cá biệt như bà Liz Truss chỉ được khoảng 10% số người được hỏi ủng hộ, thấp nhất trong lịch sử các đời Thủ tướng Anh. Vì vậy, việc số ủng hộ và phản đối ông Rishi Sunak khá cân bằng cho thấy, một mặt dư luận Anh vẫn đang rất bất mãn với đảng Bảo thủ nhưng mặt khác, cũng có những đánh giá cao nhất định đối với ông Rishi Sunak.
Điều này có lẽ đến từ điểm mạnh nhất của ông Rishi Sunak, đó là năng lực điều hành kinh tế và uy tín của ông Rishi Sunak đối với thị trường tài chính. Ông Rishi Sunak đã nhiều năm làm việc cho Goldman Sachs, một trong những tổ chức tài chính-ngân hàng lớn nhất toàn cầu, trước khi làm Bộ trưởng Tài chính Anh năm 2020, giúp chèo lái nền kinh tế Anh qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong hàng thế kỷ vì đại dịch Covid-19.
Ông Rishi Sunak là tác giả của các kế hoạch trợ cấp “furlough scheme” giúp hàng trăm ngàn doanh nghiệp và hộ gia đình Anh vượt qua thời kỳ nền kinh tế bị tê liệt vì phong toả. Vì thế, trong bối cảnh nước Anh vừa trải qua những biến động mạnh mẽ trên thị trường tài chính và đang có nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế, năng lực điều hành kinh tế của ông Rishi Sunak là một lợi thế vượt trội mà các ứng cử viên khác trong đảng Bảo thủ không có được.
Thách thức nội tại đe dọa sự tồn tại
Một điều rất đáng chú ý khác, đó là những người phản đối ông Rishi Sunak vài tháng trước trong đảng Bảo thủ cũng không còn đủ lập luận sau khi các cảnh báo của ông Rishi Sunak về việc các chính sách kinh tế của bà Liz Truss sẽ gây ra các hậu quả thảm hoạ, đã trở thành sự thực. Trên thực tế, việc ông Rishi Sunak nhanh chóng được lựa chọn làm lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ cho thấy, các lãnh đạo đảng Bảo thủ, mà đại diện là 357 nghị sĩ đảng này tại Hạ viện Anh, hiểu rằng đảng này đang đối mặt với thời khắc “sinh tử” và phải tìm mọi cách sửa sai, hạn chế tối đa thiệt hại từ lựa chọn sai lầm là đưa bà Liz Truss lên làm Thủ tướng qua một quy trình bầu cử kéo dài và mất kiểm soát hồi mùa Hè.
Cần nhắc lại rằng, trong cuộc đua thay thế ông Boris Johnson trong Hè qua, ông Rishi Sunak luôn là người nhận được nhiều phiếu ủng hộ nhất từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ, với cách biệt tương đối lớn so với bà Liz Truss. Ông Rishi Sunak luôn được giới tinh hoa đảng Bảo thủ đánh giá cao hơn bà Liz Truss về năng lực lãnh đạo nhưng chỉ thua bà Liz Truss khi việc lựa chọn được trao cho khoảng 170 ngàn đảng viên đảng Bảo thủ, vốn đa số là những người trung lưu da trắng, có xu hướng dân tộc chủ nghĩa.
Với những người này, dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu rằng gốc gác từ gia đình nhập cư Ấn Độ của ông Rishi Sunak là một trở ngại lớn, chưa kể việc ông Sunak bị cho là đối địch với ông Boris Johnson. Vì thế, trong lần bầu chọn người thay bà Liz Truss lần này, các nghị sĩ đảng Bảo thủ đã đề ra một quy trình rút gọn đi kèm một điều kiện hết sức nghiêm ngặt mà họ hoàn toàn có thể kiểm soát, đó là một ứng cử viên muốn ra tranh cử phải nhận được ít nhất 100 đề cử từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ. Đây là một chiến lược hết sức tinh vi nhằm hạn chế một “tai nạn” như bà Liz Truss và thực tế đã diễn ra đúng như giới tinh hoa đảng Bảo thủ đã tính toán, khi cả bà Penny Mordaunt lẫn ông Boris Johnson đều đã phải rút lui trước rào cản này, dù nếu đem ra cho 170 ngàn đảng viên đảng Bảo thủ bỏ phiếu, người có cơ hội chiến thắng nhất có lẽ vẫn là ông Boris Johnson. Nói cách khác, việc ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng Anh vừa là một lựa chọn phù hợp với tình thế và vừa là một chiến lược khẩn cấp của đảng Bảo thủ.
Sự khác biệt đầu tiên giữa ông Rishi Sunak với ông Boris Johnson và bà Liz Truss là ở việc những người này đã được lựa chọn ra sao cho cương vị Thủ tướng Anh. Ông Boris Johnson là người có tính chính danh cao nhất vì đã lãnh đạo đảng Bảo thủ chiến thắng vang dội cuộc tổng tuyển cử năm 2019, giúp đảng Bảo thủ giành đa số tuyệt đối tại Hạ viện Anh với số ghế cao nhất trong gần 2 thập kỷ.
Bà Liz Truss được lựa chọn ít thuyết phục hơn khi chỉ nhận được lá phiếu ủng hộ của trên 81 ngàn đảng viên đảng Bảo thủ, tức chưa đến 1% cử tri Anh, dù điều này là hợp lệ. Nhưng ông Rishi Sunak lên làm Thủ tướng Anh mà thậm chí không trải qua bất cứ một cuộc bỏ phiếu nào. Do đó, tính chính danh sẽ luôn là một điểm yếu của chính phủ ông Rishi Sunak mà các đảng đối lập đã, đang và sẽ tiếp tục tấn công. Nhìn từ khía cạnh đó, có lẽ chính phủ của ông Rishi Sunak trước mắt sẽ tập trung vào khía cạnh kỹ trị nhiều hơn là chính trị, mà ưu tiên khẩn cấp nhất đầu tiên là thiết lập sự ổn định, về tổ chức nội bộ, tiếp đến là về điều hành kinh tế.
Mặc dù ông Rishi Sunak chưa hé lộ bất cứ điều gì về thành phần chính phủ mới nhưng truyền thông Anh cho rằng, ông Sunak sẽ ưu tiên sự ổn định.
Trong cuộc họp chiều tối 24/10 với các nghị sĩ đảng Bảo thủ sau khi được lựa chọn làm lãnh đạo đảng này, ông Rishi Sunak nhận định đảng Bảo thủ đang đối mặt với thách thức đe doạ sự tồn tại của đảng này và tất cả các phe phái trong đảng Bảo thủ phải “đoàn kết hoặc chết”, đồng thời tuyên bố ông sẽ tập trung vào các chính sách hơn là vào tính cách, tức sẽ lựa chọn các nhân sự mới trong chính phủ dựa trên ưu tiên về năng lực hành động chứ không phải về quan điểm chính trị.
Nếu ông Rishi Sunak làm đúng như tuyên bố thì đây sẽ sự khác biệt lớn với các đời chính phủ của ông Boris Johnson, và đặc biệt là bà Liz Truss, khi hai cựu Thủ tướng này đã đưa hầu hết các nhân vật thân cận lên nắm giữ các chức vụ chủ chốt và gạt bỏ các nhân vật có năng lực từ các phái khác trong đảng Bảo thủ, khiến sự rạn nứt trong nội bộ đảng Bảo thủ càng nghiêm trọng hơn.
Đối với ông Rishi Sunak, một trong những nhân vật có thể được giữ lại trong chính phủ là ông Jeremy Hunt, người vừa được bà Liz Truss đưa lên làm Bộ trưởng Tài chính và đã đảo ngược hầu hết các chính sách tài khoá trước đó của bà Liz Truss. Trong cuộc gặp với ông Rishi Sunak, nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ đã yêu cầu giữ lại ông Jeremy Hunt và nếu coi sự ổn định và đoàn kết nội bộ là ưu tiên hàng đầu trước mắt, có lẽ ông Rishi Sunak sẽ không lập ra một chính phủ mới với quá nhiều nhân vật thân tín.
Về mặt quan điểm chính trị đối nội và đối ngoại, qua những gì đã thể hiện trong giai đoạn tranh cử trước đây, ông Rishi Sunak đều cho thấy mình là chính trị gia ôn hoà hơn ông Boris Johnson và bà Liz Truss. Các ưu tiên chính của ông Rishi Sunak vẫn là việc điều hành kinh tế còn trong các chủ đề nóng khác về đối nội như nhập cư, gia tăng đầu tư cho Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) hay đối ngoại như xung đột Nga-Ukraine, tranh cãi hậu Brexit với EU, ông Rishi Sunak đều thể hiện quan điểm tương đối trung dung, không có các tuyên bố gây sốc như ông Boris Johnson hay các quan điểm mạnh mẽ, “diều hâu” nhưng lại không có chiến lược rõ ràng như bà Liz Truss.
Ngân sách thâm hụt, lạm phát hai chữ số, đình công...
Ưu tiên đầu tiên và lớn nhất của chính phủ mới tại Anh đương nhiên là việc ổn định nền kinh tế, ngăn chặn lạm phát, đẩy lùi nguy cơ suy thoái. Đây chính là lí do ông Rishi Sunak được lựa chọn và cũng là thế mạnh lớn nhất của ông. Cụ thể, ngay trong tuần tới, ông Rishi Sunak sẽ phải công bố chính sách tài khoá mới trước ngày 31/10. Hiện nay ngân sách Anh đang đối mặt với khoản thâm hụt khoảng 40 tỷ bảng và ông Rishi Sunak cùng Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt sẽ phải trình bày một kế hoạch mới bù đắp cho khoản thâm hụt đó. Trong chương trình tranh cử mùa Hè, ông Rishi Sunak đã nêu ưu tiên kiểm soát chặt kỷ luật ngân sách, kiềm chế nợ công, do đó nhiều khả năng chính phủ mới tại Anh sẽ phải tiếp tục cắt giảm một số chi tiêu, ngừng cắt giảm thuế, thậm chí là tăng thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách.
Tiếp đến, chính phủ của ông Rishi Sunak sẽ phải giải quyết bài toán tỷ lệ lạm phát ở mức 2 chữ số, dẫn đến các phong trào đình công trong rất nhiều ngành nghề, đe doạ có thể làm tê liệt hoạt động kinh tế tại Anh trong mùa Đông tới. Vấn đề trợ cấp hoá đơn năng lượng cũng sẽ cần được thảo luận tiếp.
Trong chương trình hành động được Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đưa ra tuần trước, chính phủ Anh cam kết trợ giá hoá đơn năng lượng cho các hộ gia đình Anh đến tháng 04/2023, tức chỉ trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, chính sách trợ giá nào được áp dụng sau 6 tháng nữa vẫn là dấu hỏi lớn mà chính phủ của ông Rishi Sunak cần đưa ra lời giải đáp rõ ràng bởi giá năng lượng cao không chỉ đẩy nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình vào tình cảnh kinh tế khó khăn mà còn có nguy cơ gây ra bất ổn xã hội rất lớn.
Y tế sẽ là ưu tiên tiếp theo. Hiện nay, Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) Anh đang phải chịu sức ép rất lớn cả về tài chính và nhân lực và được dự báo sẽ đối mặt với khủng hoảng lớn trong mùa Đông này khi cả dịch cúm mùa lẫn Covid-19 ập đến.
Cuối cùng, về mặt đối ngoại, ông Rishi Sunak sẽ tiếp tục thừa hưởng thách thức từ các đời chính phủ trước là việc ứng phó xung đột Nga-Ukraine và các hệ luỵ, từ khủng hoảng nguồn cung năng lượng, tranh cãi về việc gia tăng ngân sách quốc phòng lên mức 3% GDP vào năm 2030 hay việc có đưa ngân sách viện trợ quốc tế trở lại mức 0,7% GDP hay không.
Việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến vấn đề Bắc Ai-len trong thoả thuận Brexit với EU cũng cần phải được thực hiện dứt điểm. Về tổng thể, chính phủ của ông Rishi Sunak sẽ đối mặt với các thách thức được xem là nghiêm trọng nhất với nước Anh từ sau Chiến tranh thế giới 2 và các thách thức này đang ngày càng tích tụ lớn hơn sau 2 đời cầm quyền thất bại của ông Boris Johnson và bà Liz Truss./.
Tin nổi bật
Tin Video