Ảnh hưởng bão số 5: Nhiều địa phương ở miền Trung chìm tàu cá, nhà cửa bị tốc mái
(VOVTV) - Do ảnh hưởng của bão số 5, trong 2 ngày qua tại các tỉnh miền Trung có mưa to, có nơi mưa rất to, gây ngập úng cục bộ và sạt lở tại một số địa phương miền núi, nhiều tàu cá gặp nạn, một số nơi gió giật, lốc xoáy làm nhiều nhà dân tốc mái.
Bão số 5 làm nhiều tàu cá gặp nạn, trong đó, tại thành phố Đà Nẵng, 1 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi số hiệu QNg-98436 khi trên đường vào vịnh Mân Quang tránh bão đã bị sóng đánh chìm.
Tại tỉnh Quảng Ngãi có 1 xà lan và 1 tàu cá gặp nạn được cứu an toàn. Tàu cá QNg-95058 TS của ông Dương Văn Thạch, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đánh bắt hải sản trên biển đang trên đường về tránh bão số 5 thì tàu bị phá nước, hỏng máy. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã chỉ đạo tàu CSB 8002 cứu hộ, cứu nạn. Trong điều kiện sóng to, gió lớn, cán bộ, chiến sĩ trên tàu nhanh chóng cứu vớt thành công 5 thuyền viên.
Do ảnh hưởng của bão số 5, tại một số địa phương xảy ra hiện tượng lốc xoáy. 70 nhà dân ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị bị tốc mái, hư hại. Gần 1.000 héc ta lúa hè thu của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị chưa kịp thu hoạch bị ngập úng, ngã rạp và hư hại.
Ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho biết, mưa to gây xói lở một số điểm, địa phương đang khắc phục.
"Một số một điểm do mưa lớn, xói mạnh quá gây sạt lở. Chúng tôi đang đi kiểm tra và cho khắc phục tạm thời. Các kênh thoát phải khắc phục ngay chứ để mưa xuống là sợ bị vỡ". Ông Thịnh nói.
Chiều tối 11/9, tại khu vực đường liên thôn Trà Bình - Thạch Nội, đoạn qua cầu Gò Viên, xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, Đội Thanh niên xung kích xã Tịnh Trà kịp thời cứu sống 2 công nhân của Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi bị nước lũ cuốn trôi khi đi làm về. Hiện nay, tại các tỉnh miền Trung tiếp tục có mưa, nhiều nơi có mưa rất to. các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả mưa bão, chủ động ứng phó với nguy cơ lũ xảy ra.
Ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Hiện nay, các địa phương, đặc biệt là huyện Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Hà tổ chức di dời dân đến nơi an toàn. Huyện Trà Bồng có hơn 40 điểm tập trung, 2 khu vực xung yếu. Huyện Sơn Hà có hai điểm di dời tập trung ở trung tâm thị trấn Di Lăng. Chúng tôi đảm thực hiện tốt vấn đề đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi di dời dân ở những vùng sạt lở, nguy cơ cao".
Hiện mực nước tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở các tỉnh miền Trung đang ở mức thấp. Các địa phương chủ động tích nước và có phương án xả lũ điều tiết.
Ông Vũ Đức Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Mi, tỉnh Quảng Nam cho biết, rút kinh nghiệm mùa mưa bão năm ngoái, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương và các nhà máy thủy điện trong lưu vực có phương án điều tiết xả lũ phù hợp.
"Chúng tôi kết hợp giữa các giải pháp tuyên truyền cố định đặt tại các điểm xung yếu, thông tin phòng chống, điều tiết lũ. Thông qua các kênh cập nhật thường xuyên, liên tục qua mạng xã hội Zalo, điện thoại di động và các loa truyền thanh của phương tiện cơ giới của công ty". Ông Khánh cho biết thêm.
Tin nổi bật
Tin Video