Ấn tượng saman
Bên cạnh cảnh đẹp tự nhiên, Indonesia còn có sức hút mạnh mẽ đối với du khách bởi những nét văn hóa đặc sắc mang đậm phong cách riêng của đất nước vạn đảo. Trong số đó, saman - điệu nhảy truyền thống của người Gayo tại tỉnh Aceh là một trong những di sản văn hóa phi vật thể để lại nhiều ấn tượng.
Theo các ghi chép lịch sử, saman xuất hiện từ thế kỷ XIII, được biết đến như “điệu múa ngàn tay” của người Sheikh Saman, một tộc người Gayo cổ. Đây là một điệu nhảy mang đậm chất tôn giáo và có liên quan mật thiết tới sự ra đời của đạo Hồi.
Ban đầu, điệu nhảy này chỉ là một trò chơi dân gian có tên là pok ane. Dần dần, saman được phát triển thêm phần đệm là những bài thơ ca ngợi đấng Allah kèm với nhịp gõ của các vũ công. Số lượng vũ công tham gia một tiết mục múa saman luôn là số lẻ. Họ ngồi thành hàng ngang, quỳ gối trong trang phục biểu diễn được thêu họa tiết tượng trưng cho thiên nhiên và phẩm hạnh của người Gayo.
Một tiết mục saman gồm hai phần, gồm múa và hát. Phần hát do một người đứng giữa thể hiện các bài hát có nội dung xoay quanh thông điệp về sự phát triển, tôn giáo, văn hóa, là những bài giảng về đạo đức, những câu chuyện châm biếm hay chuyện tình yêu lãng mạn. Trong lúc đó, dàn vũ công sẽ đồng loạt biểu diễn những động tác phức tạp, vỗ tay, ngực, đùi. Những động tác này phải rất đều, mạnh và dứt khoát...
Thời kỳ đầu, saman chỉ được biểu diễn trong một số sự kiện quan trọng, đặc biệt như ngày sinh hoặc lễ tưởng niệm nhà tiên tri Muhammad. Sau này, do có nhịp điệu sôi động, kết hợp đông người nên điệu nhảy trở thành tiết mục không thể thiếu trong các lễ hội.
Cuối năm 2011, UNESCO đã ghi danh điệu nhảy bắt nguồn từ vùng Aceh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vào thời điểm đó, tần suất các buổi biểu diễn saman và việc quảng bá điệu nhảy này đang giảm dần.
Nhiều già làng có kiến thức về saman đã cao tuổi và không có người kế vị. Thế hệ trẻ hầu hết chuyển ra các thành phố lớn để theo đuổi việc học hành hoặc tìm kiếm việc làm. Thiếu kinh phí cũng là một nguyên nhân dẫn tới sự hạn chế trong việc bảo tồn điệu nhảy.
Vì thế, ngay sau khi được UNESCO ghi danh, chính phủ Indonesia đã triển khai chương trình bảo tồn điệu nhảy saman với kinh phí ban đầu lên tới 10 triệu USD. Ngoài việc tổ chức các lớp dạy nhảy, chính phủ Indonesia còn khuyến khích phát triển phong trào quảng bá vũ điệu truyền thống này trong các tầng lớp nhân dân.
Những nỗ lực của chính phủ và người dân Indonesia đã mang đến hiệu quả bất ngờ. Chỉ 1 năm sau, Hiệp hội Du lịch ASEAN (ASEANTA) đã trao cho quốc gia vạn đảo giải thưởng Nỗ lực bảo tồn văn hóa tốt nhất ASEAN qua điệu nhảy saman.
Cựu Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia, Mari Elka Pangestu cho rằng, việc UNESCO ghi danh điệu nhảy saman có ảnh hưởng sâu rộng đến lợi ích kinh tế nước này, chủ yếu là trong phát triển du lịch. Đây cũng là động lực thúc đẩy ngành công nghiệp nghệ thuật truyền thống của Indonesia phát triển.
Tuy nhiên, việc quảng bá saman với tốc độ nhanh cũng có những mặt trái khi mọi người không được giải thích cặn kẽ về ý nghĩa cũng như nguồn gốc của điệu nhảy. saman xuất hiện ở nhiều nơi, trong nhiều sự kiện và được biểu diễn tự phát theo cách tương đồng với các điệu nhảy hiện đại của phương Tây như hip-hop, flashmob...
Để saman không bị đồng hóa, gần đây, chính quyền Indonesia đã chú trọng tới việc nâng cao giá trị di sản. Đặc biệt, Phòng Văn hóa và Du lịch Aceh đã xây dựng kế hoạch làm “sống lại” điệu nhảy truyền thống trong không gian cộng đồng và đưa saman trở thành một phần của cấu trúc xã hội cộng đồng.
Một trong những hoạt động được chính quyền Aceh tích cực triển khai là tổ chức những cuộc thi biểu diễn saman và văn hóa Gayo ngay tại vùng đất nơi nó được sinh ra. Thông qua những màn biểu diễn của các đội, vũ công sẽ có sự so sánh và tự rút ra bài học để giành được giải cao trong những lần thi tiếp theo. Đây chính là sân chơi nhằm nâng cao sự hiểu biết của các vũ công và khán giả về giá trị cốt lõi của điệu nhảy đặt trên nền tảng văn hóa gốc.
Ông Nova Iriansyah, Thống đốc tỉnh Aceh cho biết, saman không đơn thuần là một vũ điệu, mà còn chứa đựng bề dày văn hóa của vùng trong suốt nhiều thế kỷ và những triết lý tôn giáo. Các vũ công thực hiện điệu nhảy cần nắm rõ tinh thần này thì mới có thể tạo ra những màn biểu diễn thuyết phục.
Nếu kế hoạch của Phòng Văn hóa và Du lịch Aceh thành công, người dân nơi đây không chỉ bảo tồn và phát huy được giá trị của điệu nhảy saman mà còn biến vũ điệu này trở thành “đặc sản” du lịch của địa phương. Đây là một chiến lược phát triển du lịch bền vững mà nhiều quốc gia đang hướng tới.
Tin nổi bật
Tin Video