An toàn giao thông trên các tuyến cao tốc: Góc nhìn từ Trung Quốc
(VOVTV) - Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Việt Nam, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông. Nghĩa là cứ mỗi phút tai nạn giao thông lại khiến 2 người trên thế giới tử vong. Hạn chế tai nan giao thông, đặc biệt là trên các tuyến đường cao tốc đang là nỗ lực chung của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.
Hệ thống đường bộ lớn nhất thế giới, hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc giao thông
Trung Quốc rất chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường bộ. Người Trung Quốc có câu: “Muốn làm giàu, trước tiên hãy xây đường.” Tính đến cuối năm 2022, nước này đã có một hệ thống đường cao tốc dài 177.000km, dài hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Trong năm 2023, nước này tiếp tục có khoảng 7.000 km đường cao tốc được xây mới, cải tạo và mở rộng.
Là quốc gia có diện tích lớn thứ ba thế giới với địa hình đa dạng phức tạp, Trung Quốc có cả đường cao tốc trên mặt đất, xuyên qua núi, trên sa mạc và cả dưới nước. Đến nay, mạng lưới đường cao tốc của nước này đã kết nối được khoảng 99% các thành phố và khu vực có dân số đô thị từ 200.000 người trở lên. Mục tiêu của Trung Quốc là bao phủ đường cao tốc đến tất cả các thành phố và quận, huyện có dân số trên 100.000 người vào năm 2035 – thời điểm mà nước này xác định để cơ bản trở thành cường quốc về giao thông.
Với hệ thống đường quy mô như vậy, Trung Quốc cũng đã đưa ra các quy định về việc xây các trạm dừng chân dọc đường. Theo đó, khoảng cách trung bình giữa các trạm này không quá 50 km, khoảng cách tối đa không quá 60 km. Tuy nhiên, trên thực tế, quanh các thành phố sầm uất, trạm dừng chân thường có khoảng cách từ 30-40 km với diện tích khá lớn.
Cảnh sát giao thông hầu như không xuất hiện trên các tuyến đường nói chung và đường cao tốc nói riêng ở Trung Quốc. Hệ thống camera giám sát giao thông được thiết lập ở khắp nơi, hệ thống định vị dẫn đường trên xe cũng thường xuyên nhắc nhở vị trí của các camera và quy định giao thông trên từng chặng đường, khiến lái xe hiếm khi mắc lỗi. Nhiều đoạn đường còn có các biển chạy chữ cảnh báo tình trạng đường xá và các xe đang lưu thông có dấu hiệu vi phạm.
Quy định và chế tài nghiêm ngặt
Cùng với chất lượng đường khá tốt, thì những quy định pháp luật chặt chẽ cũng là yếu tố quan trọng giúp giao thông được đảm bảo hơn ở Trung Quốc.
Cũng giống như các nước khác, Trung Quốc có quy định về thời gian lái xe đối với tài xế, cụ thể là không quá 4 tiếng và phải nghỉ ít nhất 20 phút. Tuy nhiên, mức phạt vi phạm lỗi này với từng đối tượng có sự khác nhau rõ rệt.
Ở Trung Quốc, bằng lái xe có tổng cộng 12 điểm với giá trị trong vòng 1 năm. Nếu trong thời gian này lái xe bị trừ hết điểm, bằng lái sẽ không còn giá trị. Với lái xe khách từ tầm trung trở lên và xe chở hàng nguy hiểm, việc lái xe liên tục quá 4 giờ không nghỉ hoặc nghỉ dưới 20 phút sẽ bị xử phạt nặng nhất, mỗi lần trừ tới 9 điểm, tức chỉ sau lỗi uống rượu khi lái xe bị trừ hết 12 điểm.
Xe khách lưu thông trên đường bộ (đường cao tốc, đường hỗn hợp) vào ban đêm bắt buộc phải dừng nghỉ ở khu vực an toàn từ 2 giờ đến 5 giờ sáng, tức không được chạy xe ban đêm.
Các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ cũng được yêu cầu phải quản lý nghiêm ngặt thời gian làm việc của lái xe, không quá 8 tiếng trong 24 giờ (trường hợp đặc biệt có thể kéo dài thêm 2 giờ, nhưng tổng thời gian kéo dài trong một tháng không được vượt quá 36 giờ).
Các doanh nghiệp này cũng được yêu cầu phải lắp camera, hệ thống định vị và hệ thống cảnh báo của bên thứ 3. Khi lái xe liên tục khoảng 3,5 giờ, hệ thống sẽ nhắc nhở. Số lần nhắc sẽ ngày càng dày khi gần 4 tiếng. Nếu lái xe cố tình vi phạm có thể bị đuổi việc vì làm ảnh hưởng đến tín nhiệm của công ty. Nếu không may để xảy ra tai nạn thậm chí sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Lái xe quá thời gian quy định là một trong những hình thức bị liệt vào “lái xe mệt mỏi” ở Trung Quốc. Hồi tháng 2/2024, một tòa án ở tỉnh Quảng Đông đã thụ lý vụ kiện của một lái xe khách bị công ty sa thải vì nhắm mắt 4 lần trong 13 giây cùng 2 vi phạm khác trước đó. Lái xe cho rằng việc làm này của doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động và phải bồi thường. Tuy nhiên, sau 2 lần xét xử, tòa án đều kết luận lỗi là do lái xe và quyết định sa thải của công ty là phù hợp với các quy định của pháp luật.
Ứng dụng công nghệ ngăn ngừa tai nạn giao thông
Bên cạnh các quy định nghiêm ngặt, việc ứng dụng công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống định vị, cảnh báo để xác định những người lái xe mệt mỏi và chạy quá thời gian quy định cũng khá phổ biến ở Trung Quốc.
Thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, miền Tây nước này, từ năm 2021 đã cho lắp một thiết bị có thể phát hiện lái xe tải trong tình trạng mệt mỏi chỉ sau 1 giây ở các trạm thu phí trên đường cao tốc và gửi thông tin về hệ thống của lực lượng thực thi pháp luật. Khi mới lắp, chỉ trong 1 tiếng đầu, thiết bị này đã phát hiện được 8 xe, xác định chính xác được 4 xe. Mỗi xe vi phạm bị phạt 200 nhân dân tệ (gần 700.000 đồng Việt Nam) và trừ 6 điểm. Sở dĩ Tây An phải lắp thiết bị này vì trong năm 2020 trên các đoạn đường cao tốc thuộc địa phận thành phố đã xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông gây chết người nghi do tài xế mệt mỏi, trong đó xe tải chiếm gần 54%.
Thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, từ năm 2019 đã tận dụng dữ liệu lớn của hệ thống định vị Bắc Đẩu và mạng lưới kết nối các phương tiện của cơ sở hạ tầng đô thị (Internet of Vehicles), tạo ra một hệ thống định vị gắn trên xe để ngăn việc lái xe mệt mỏi trên xe tải thông qua phân tích các hành vi lái xe đa chiều, như thời gian lái, tốc độ và tuyến đường theo thời gian thực. Cách làm này đã giúp giảm các vụ tai nạn giao thông do lái xe mệt mỏi gây ra một cách hiệu quả. Vào thời điểm đó 95% số xe đã kết nối với nền tảng dữ liệu này, mỗi ngày nền tảng đã xử lý 8 tỷ dữ liệu liên quan.
Tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc, cũng thí điểm giảm thiểu tai nạn giao thông dựa trên công nghệ từ năm 2020. Tỉnh này đã thiết lập một hệ thống giám sát xe thông minh, kết nối với hệ thống mạng lưới phương tiện vận hành trọng điểm quốc gia, bao phủ khắp các cơ quan quản lý vận tải đường bộ cấp tỉnh, thành phố và huyện cũng như các doanh nghiệp vận tải.
Hệ thống sẽ ghi lại các thông tin như nét mặt và chi tiết chuyển động của lái xe thông qua camera lắp trên xe, phân tích 17 loại hành vi lái xe không an toàn như không nhìn về phía trước, tùy tiện chuyển làn đường và gửi đi các tin nhắn, cảnh báo bằng giọng nói, giúp lái xe có sự điều chỉnh phù hợp, đồng thời gửi thông tin đến nền tảng quản lý để đôn đốc can thiệp.
Ngoài ra, nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc hiện đang thiết lập “Bộ não thành phố” nhằm thực hiện mô hình thành phố thông minh, ứng dụng AI vào việc quản lý giao thông theo thời gian thực, nhờ đó giảm tắc đường, giảm tai nạn giao thông cũng như số vụ vi phạm pháp luật./.
Tin nổi bật
Tin Video